Trồng mai ghép giữa lòng thành phố, lão nông "hốt" bạc tỷ

11:11 | 08/06/2022 Print
(LG) Cứ tưởng rằng tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ có những toà nhà cao tầng, những con hẻm chật hẹp… nhưng đâu ai ngờ vẫn còn tồn tại một vườn mai rộng gần 4.000 m2 hiện hữu suốt hơn 20 năm nay. Đó là vườn mai của ông Mã Văn Phương (59 tuổi) nằm ẩn sau những căn nhà phố ở khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức.
Nông nghiệp công nghệ: Sân chơi cho những nông dân thời đại số Chuyện 8X “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp sạch Đan Phượng tăng tốc chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Trồng mai "hái" tiền tỷ

Tới thăm vườn mai vào cuối giờ chiều, ông Phương vẫn còn loay hoay tưới nước cho hơn 1.000 chậu mai, mồ hôi nhễ nhại nhưng không quên chào hỏi chúng tôi. Ông cho biết, nghề làm mai không cần bận rộn quanh năm suốt tháng như cây trồng khác, mà chỉ cần chăm sóc theo chu kỳ, dù vậy chỉ cần sơ ý quên tưới cây, bón phân dăm bữa nửa tháng thì mai sẽ phát triển chậm lại ngay.

Dẫn chúng tôi thăm quan vườn, ông Phương tự hào giới thiệu những gốc mai với nhiều vóc dáng đặc biệt có giá từ hàng trăm triệu thậm chí ngót nghét cả tỷ đồng. Nhiều dân chơi mai rất “khoái” và ngỏ ý muốn mua lại, nhưng vì nhiều lý do nên ông quyết định không bán mà chỉ cho thuê.

Trồng mai ghép giữa lòng thành phố, lão nông
Dù đã gần 60 tuổi, ông Phương vẫn say sưa với nghề trồng mai.

“Nhiều gốc mai giá gần cả tỷ, có người muốn mua nhưng để sở hữu được gốc mai này là một niềm tự hào, nên tôi không muốn bán, đâu phải ai cũng có được những gốc mai đẹp như vậy. Những gốc mai này tôi cho thuê từ 50 triệu đến 100 triệu đồng trong 2 tuần. Với những gốc mai nhỏ hơn, giá bán rẻ hơn thì giá cho thuê dao động từ 5 triệu đến 20 triệu đồng”, ông Phương nói.

Sau nhiều năm gắn bó với cây mai, ông Phương hiểu rất rõ đặc tính của loài cây cảnh này. Thời điểm nào bón phân, số lượng thế nào cho phù hợp, dấu hiệu nào là bệnh, ông nói vanh vách. Như cây mai con khi bón phân thì phải hoà với nước để tưới vào gốc. Còn đối với cây mai từ 2 năm trở lên thì đỡ vất vả hơn, chỉ cần bón trực tiếp vào gốc và 1-2 tháng mới làm một lần. Đặc biệt, dịp cận tết thì người trồng mai phải nâng niu, chăm chút tỉ mỉ để mai trổ hoa đúng thời điểm và đẹp nhất.

Dù ông Phương đã thuê 5 nhân công phụ trách việc bón phân, tỉa lá, xịt thuốc trừ sâu, bệnh cho vườn mai nhưng với bản tính chất phác, thích lao động của một “lão nông”, ông Phương chẳng mấy khi chịu ngồi một chỗ “chỉ tay năm ngón”. Hầu như ngày nào, ông cũng cặm cụi ra vườn mai tỉa lá, chăm sóc cho cây mai, nhiều người làm công còn đùa rằng ông ra vườn mai còn nhiều hơn ở trong nhà.

Hiện nay, trên mảnh vườn diện tích gần 4.000 m2 của mình, ông Phương trồng hơn 1.000 gốc mai ghép, đa số thuộc giống Giảo Thủ Đức để cung cấp ra thị trường vào những dịp tết. Những năm gần đây, mai cảnh có giá cao khó bán, nên ông lấy việc cho thuê làm chủ lực, vì thế cứ mỗi năm trôi qua giá trị vườn mai của ông lại tăng thêm một chút, giá thuê cũng theo đó mà “hời” hơn.

Trồng mai ghép giữa lòng thành phố, lão nông
Dù đã thuê 5 nhân công làm việc thường xuyên, ông Phương vẫn giữ thói quen ra tận vườn tỉa lá, chăm sóc cho cây mai.

“Thuê mai về chưng thì giá rẻ hơn nhiều, chừng vài triệu đồng là có mai chơi hết tết rồi, nên người ta chuộng lắm. Còn bán được mai thì khó, vì phải dân chơi mai mới biết cách chăm sóc mai, làm cho mai nở hoa vào đúng dịp mà mình muốn. Còn mua mai về mà không biết gì, thì được dăm bữa nửa tháng nó cũng thành củi khô…”, ông Phương chia sẻ.

Nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng mai và làm lâu năm trong nghề nên so với các nông dân khác, anh Phương vẫn sống khỏe nhờ trồng mai. Cho tới nay, trung bình mỗi năm vườn mai nhà ông có đến vài trăm chậu được người dân, xí nghiệp, công ty thuê về chưng. Vào năm mất mùa, giá thấp thì ông vẫn thu được khoảng 600 triệu đồng, còn năm được mùa, được giá thì thu nhập cả tỷ đồng.

Bén duyên với nghề

Hơn 20 năm trước, nghề trông mai ở thành phố Thủ Đức rất phổ biến, đến mức cứ 10 nhà thì lại có 2-3 nhà trồng mai. Nhưng khi làn sóng đô thị hoá quét qua, những vườn mai xanh mướt buộc phải nhường chỗ cho những toà nhà cao tầng, những khu vui chơi, những hàng quán xa xỉ… Đến nay, những người còn bám trụ với nghề trồng mai đều là những nông dân chất phác, đam mê cây cảnh.

“Giai đoạn những năm 1990, cây mai được người dân thích và quý lắm nên nhà nào cũng đua nhau trồng mai. Nhưng khi xã hội phát triển hơn, người dân không còn ưa chuộng mai cảnh nữa, nên người trồng mai cũng ít đi, vườn mai được thay thế bằng những căn nhà cao tầng hoặc là những khu trọ cho công nhân. Còn sót lại những người trồng mai, thì quy mô cùng lắm cũng chừng 1.000 m2 trở lại”, ông Phương nói.

Trồng mai ghép giữa lòng thành phố, lão nông
Gắn bó với nghề trồng mai được hơn 30 năm, ông Phương tâm niệm muốn có mai đẹp thì khi trồng mai phải có tâm huyết.

Ông Phương kể lại, hồi mới tuổi đôi mươi, khi đang là một chàng trang trẻ chăm chỉ với ruộng lúa của gia đình, ông biết rằng cứ mãi bám theo cây lúa thì chẳng khá lên được, vì vậy mới tìm hiểu cây trồng mới. Với trào lưu trồng mai nở rộ vào thời điểm đó, ông cũng học theo, mua vài chục gốc mai về trồng thử rồi mang ra chợ bán cho người chơi hoa. Ban đầu chỉ có dăm ba người hỏi mua, nhưng cứ mỗi năm số khách lại tăng dần, đến nay ông đã có vài trăm vị khách vào mỗi vụ tết.

Từ vài công đất trồng mai mang lại giá trị kinh tế cao nên có vốn, ông mở rộng diện tích. Năm 2000, ông chuyển toàn bộ 2.000 m2 đất vườn sang trồng mai, sau đó ông thuê thêm gần 2.000 m2 đất bên cạnh để mở rộng quy mô vườn. Hồi đó, thấy ông Phương đầu tư công sức, tiền của trồng mai vàng, nhiều người ngỡ ngàng, không nghĩ ông sẽ thành công. Thế nhưng qua thời gian, ông chứng minh hướng đi của mình là đúng đắn khi lợi nhuận kinh tế mang lại cao.

“Có những lúc mất mùa, mai ế không ai mua mà cũng không ai thuê, lỗ nặng. Tôi chửi đổng rồi đòi bỏ nghề chuyển qua trồng cây ăn trái. Nhưng tức xong thì lại không bỏ được, nghề trồng mai nó ăn sâu vào máu thịt tôi rồi. Nên bây giờ tôi xem việc trồng mai không chỉ là để kiếm tiền mà còn là đam mê, thú vui trong cuộc sống”, ông Phương chia sẻ.

Để tồn tại với nghề, ông Phương cho biết, ngoài kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, khi trồng mai còn phải dùng cái tâm của mình, chứ không được làm qua loa đại khái để cuối vụ bán kiếm tiền rồi thôi. “Đã qua cái thời người dân dành nhau mua từng gốc mai, người tiêu dùng càng lúc càng khó tính hơn, vì vậy người trồng mai phải có cái tâm để làm ra những thế mai đẹp, chiều lòng được người chơi mai”, ông Phương nói.

Những năm qua, cánh đồng mai của ông Phương nằm lọt thỏm ở cuối con đường nhỏ, hẹp nhưng thường xuyên có người tìm đến tham quan và chọn mua. Cứ thế, cây mai Giảo Thủ Đức đã vươn xa, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Mai Giảo Thủ Đức nghe có vẻ quen thuộc, nhưng nói về độ đẹp và gốc to thì chẳng hề thua kém những giống mai ở vùng đất khác.

Minh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz