Giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong thương mại quốc tế:

Nên kiểm soát “lòng tham” trong kinh doanh

20:23 | 27/08/2022 Print
(LG) Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong thương mại quốc tế, bản thân các doanh nghiệp cần cố gắng kiểm soát “lòng tham” trong kinh doanh vì đó là mục tiêu đối tác xấu nhắm đến.
Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) Doanh nghiệp ứng phó với những biến động thị trường những tháng cuối năm Cách nào ngăn chặn hàng giả trên không gian mạng?

Tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, nhìn từ những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, tiêu biểu là vụ việc của các doanh nghiệp điều bị lừa đảo khi xuất khẩu sang Ý cho thấy, các doanh nghiệp bị lừa là quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, với các thương vụ quốc tế, bản thân các doanh nghiệp nên thận trọng hơn.

Nên kiểm soát “lòng tham” trong kinh doanh
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế”. (Ảnh: Đinh Luyện)

Để phòng ngừa tranh chấp, ông Ngô Khắc Lễ cho rằng, doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu, cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Doanh nghiệp cũng nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng…

Đặc biệt, sau khi bị lừa đảo, doanh nghiệp nên thông báo cho bạn hàng, hiệp hội mà mình tham gia để phòng tránh chung (có thể không nêu tên công ty bị lừa); gửi thông tin cho hiệp hội mà kẻ lừa đảo là hội viên (nếu có) để tố cáo; bảo lưu quyền đòi bồi thường với những tài liệu, chứng cứ đã có.

Bên cạnh quan điểm của ông Ngô Khắc Lễ, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hạn chế những rủi ro, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về các thông tin doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ bảo hiểm để có thể hạn chế tối đa rủi ro. Bởi, nếu như xảy ra biến cố, doanh nghiệp vẫn có thể thu hồi được lại một phần lợi ích vật chất trong những trường hợp rủi ro.

Đinh Luyện

© Báo Tin tức - NetBiz