Một nguồn vốn khổng lồ đang “chôn” vào đất

08:22 | 01/09/2022 Print
(LG) Tình trạng phổ biến hiện nay là người dân đổ tiền vào đất để chờ tăng giá, mua đất đón trước chờ quy hoạch, chờ dự án triển khai, làm sai lệch thị trường đất đai và một nguồn vốn khổng lồ “chôn” vào đất.
Xác định giá đất phải mang tính định lượng Bãi bỏ khung giá đất - bước đột phá trong lĩnh vực đất đai Nhiều điểm mới quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chia sẻ tại hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định cần phải tập trung xử lý hành vi đầu cơ, cố tình kiếm lời nhờ vào việc mua đi, bán lại đất đai, nhà ở, khi đó, không chỉ mang lại nguồn thu cho nhà nước và quan trọng hơn là điều tiết hành vi sử dụng đất. Cùng với đó, sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể thực hiện được giấc mộng an cư, thay vì như hiện nay, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao.

Cụ thể, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường gợi ý: Thứ nhất, đánh thuế luỹ tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân.

"Chúng ta hay nói đánh thuế ngôi nhà thứ hai là không hợp lý, thay vào đó, phải tính theo diện tích mỗi người chiếm giữ so với mức bình quân", ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo đó, diện tích trong hạn mức được áp dụng tỷ suất thuế thấp và giá tính thuế thấp, tương đương 60% mức giá trong bảng giá. Như vậy, chính sách này không ảnh hưởng đến người nghèo, những người thu nhập thấp. Còn những người chiếm hữu nhiều hơn phải đánh thuế luỹ tiến theo tỷ lệ, gấp 2 lần thì thuế suất khác, gấp 3 - 5 lần mức bình quân thì áp thuế suất khác.

Một nguồn vốn khổng lồ đang “chôn” vào đất
Cần sử dụng công cụ thuế để điều tiết hành vi găm hàng, đầu cơ đất đai, mạnh tay đánh thuế luỹ tiến trên giá trị đất vượt mức bình quân hay chênh lệch tăng giá. (Ảnh minh họa: BT)

Thứ hai, giá đất tăng thì giá tính thuế cũng phải tăng, để điều tiết địa tô chênh lệch. Người nộp thuế được ghi nợ nghĩa vụ thuế có tính lãi suất nợ thuế. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì đất bị thu hồi đất do vi phạm pháp nghĩa vụ tài chính đất đai.

Thứ ba, đánh thuế luỹ tiến trên phần giá tăng lên, giữa giá khai báo nộp thuế với giá bán/giá bồi thường hoặc giữa giá mua và giá bán. Tỷ suất thuế lũy thoái theo độ dài khoảng thời gian giữa hai lần giao dịch hoặc thay đổi giá khai báo thuế.

Lý do mà vị chuyên gia này đưa ra là đất đai mua vào ngày hôm nay, ngày sau bán thì giá trị tăng lên, phần chênh chệch phải tính được thuế giá trị gia tăng. Hoặc ngày hôm nay đăng ký nộp thuế trên giá thấp nhưng ngày mai mở đường, giá nhà đất tăng lên phải đánh thuế tăng lên.

Thứ tư, là sửa đổi quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất vùng phụ cận các dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển kinh tế làm gia tăng giá trị đất liền kề. Thu hồi phục vụ tái định cư, đấu giá, lựa chọn hoạt động sử dụng đất có hiệu quả.

Ngày 16/6 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Các nội dung của Nghị quyết 18 -NQ/TW được cả xã hội và người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai tồn tại nhiều năm qua, thúc đẩy quan hệ thị trường phát triển.

Nghị quyết số 18-NQ/TW là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai và căn cứ quan trọng định hướng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 nhằm khai thác tối ưu nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển thị trường bất động sản; trong đó, có thị trường đất đai trở thành kênh phân bổ và khai thác đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng cần sử dụng công cụ thuế để điều tiết hành vi găm hàng, đầu cơ đất đai, mạnh tay đánh thuế luỹ tiến trên giá trị đất vượt mức bình quân hay chênh lệch tăng giá.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz