Doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế

11:44 | 02/09/2022 Print
(LG) Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một đất nước có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế.
Nên kiểm soát “lòng tham” trong kinh doanh Không nên quá tin tưởng vào môi giới Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế

Thông tin tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, Việt Nam đang có thế mạnh về hoạt động xuất nhập khẩu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế”.

Tuy nhiên, khi vào sân chơi mở rộng thì cũng đồng nghĩa với việc sân chơi sẽ có những rủi ro nhiều hơn. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, về phía cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, VCCI… đã nhận định rõ tình hình và nhiều lần thông tin về những trường hợp, khả năng rủi ro trong hoạt đồng xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, vẫn có những sự việc mang tính chất cảnh báo đã xảy ra. Vụ việc container hạt điều xuất khẩu sang thị trường Italia cách đây không lâu là một ví dụ.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nhấn mạnh, với một đất nước có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như Việt Nam nhưng đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế.

Do đó, giải pháp tối ưu là phải cùng nhau chia sẻ bài học, chia sẻ những kinh nghiệm sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp trưởng thành hơn. “Việc cùng nhau trao đổi, chia sẻ các biện pháp nhận diện và phòng tránh rủi ro, kinh nghiệm tìm kiếm đối tác tin cậy cũng như đàm phán hợp đồng và trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp thì chúng ta cần tìm đến các cơ quan nào… là hết sức cần thiết”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Ban Pháp chế VCCI cho biết, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế
Toàn cảnh chương trình hội thảo.

Thực trạng đáng buồn là các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo và không có nhiều doanh nghiệp muốn báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Quanh vấn đề này, tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Bởi vậy, giải pháp đưa ra là doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.

Đinh Luyện

© Báo Tin tức - NetBiz