Hà Nội ra điều kiện để được xây chung cư, cao ốc: Muộn còn hơn không

08:26 | 10/09/2022 Print
Hàng loạt chung cư, cao ốc trên địa bàn Hà Nội đang chưa được chủ đầu tư xây dựng trường lớp đồng bộ với cơ sở hạ tầng, khiến quá tải trường học, gây áp lực cho ngành giáo dục, đặc biệt là về giao thông.
Gỡ vướng quy định phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại Người lao động mong có nhà ở giá rẻ
Hà Nội ra điều kiện để được xây chung cư, cao ốc: Muộn còn hơn không
Khu đô thị Linh Đàm chi chít chung cư, cao tầng nhưng lại thiếu trường học. Ảnh: PV

Trường học, đường phố không mở rộng còn bị “bức tử” bởi cao ốc

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch đặt mục tiêu Hà Nội phấn đấu hằng năm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, UBND TP.Hà Nội đưa ra giải pháp sẽ tập trung rà soát quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tiếp tục đầu tư, tập trung nguồn lực hoàn thiện các tuyến đường vành đai, các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch và các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông.

“Chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị” - kế hoạch nêu.

Năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn ở Hà Nội, rõ nhất là một số quận huyện với nhiều chung cư cao tầng như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông...

Ghi nhận của Lao Động cho thấy, bên cạnh những tòa cao tầng đã được đưa vào sử dụng, trên tuyến đường Nguyễn Tuân tiếp tục có thêm 2 tòa chung cư hàng chục tầng đang được xây dựng và hoàn thiện. Nhiều đoạn vỉa hè rộng chỉ đủ 1 xe máy đỗ, không còn lối đi cho người đi bộ.

Tình trạng quá tải chung cư cũng diễn ra tại nhiều tuyến đường khác như Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3, Khu đô thị Linh Đàm...

Giải bài toán lỗi hệ thống

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa dự báo, với tốc độ di dân cơ học như hiện nay, trong khi các dự án trường chậm tiến độ, 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng. Bà Hòa cho biết, quận có diện tích hơn 47km2, dân số gần 50 vạn dân. Mỗi năm, số học sinh tăng từ 6.000 đến 7.000 học sinh, sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - cho rằng, việc giảm dân số, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, xã hội là một trong những định hướng quản lý xuyên suốt. Nhưng càng định hướng giảm thì dân số lại càng tăng lên. Tại Hà Nội, đã có rất nhiều dự án cao tầng mọc lên gây ùn tắc giao thông nhưng vẫn được thuyết minh là “đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy hoạch”.

Các chuyên gia cũng đề xuất, để giảm thiểu sự quá tải trên, cần xây dựng các dự án dài hơi như cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bị ách tắc. Đồng thời, cần tuân thủ nghiêm quy hoạch và gắn trách nhiệm cho các cấp quản lý của địa phương.

* Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Giảng viên trường Đại học GTVT: Vài năm trước, một phường của Hà Nội thường có quy mô dân số khoảng 19.000 - 20.000 người nhưng giờ con số đó sẽ nhân thêm nhiều lần do các tòa chung cư mọc lên ken kín”.

TS-KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng từ năm 2008. Các công trình bất động sản thương mại tăng lên nhanh chóng nhưng chủ yếu tập trung ở nội đô, trong khi các công trình hạ tầng xã hội ngày càng bị thu hẹp. Đã có chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện... ra khỏi nội đô nhưng đến nay đều chưa hiệu quả.

“Với đà này, Hà Nội sẽ không chỉ dừng lại ở việc thiếu trường học mà còn thiếu hàng loạt hạ tầng kỹ thuật” - KTS Đức nhận định.

* Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết: Quy hoạch cho giao thông cần phải được đi trước, sau đó mới quy hoạch đô thị, cư dân, giao thông mới không bị ùn tắc. Tuy nhiên, thực tế ở Hà Nội lại khác, các đô thị thi nhau mọc lên, giao thông phải gồng gánh quá lớn lượng phương tiện, dẫn đến ùn tắc.

Theo Phạm Đông - Hữu Chánh/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/ha-noi-ra-dieu-kien-de-duoc-xay-chung-cu-cao-oc-muon-con-hon-khong-1091165.ldo

© Báo Tin tức - NetBiz