Bảo đảm người lao động có việc làm bền vững

16:58 | 17/09/2022 Print
(LG) Bảo đảm người lao động có việc làm bền vững; phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; dần thu hẹp việc làm phi chính thức… là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất để phát triển chính sách xã hội trong giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, đào tạo bài bản nhân lực chất lượng cao Việc làm bền vững là mục tiêu phát triển thị trường lao động 6 tháng, Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 118 ngàn lao động

Tại Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề liên quan chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, thông qua việc thực hiện Nghị quyết, trong 10 năm qua, thể chế thị trường lao động ở nước ta đã từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản để giải quyết việc làm. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực, hiệu quả.

Hàng năm, cả nước giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 và 2021 giải quyết việc làm giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu người/năm; năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,25%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,6%, năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên 3,22%, ở khu vực thành thị là 4,42%. Hiện nay có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ đô la Mỹ/năm.

Giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập của hộ gia đình Việt Nam, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,2 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2010 (trong đó khu vực thành thị, cao gấp 2,5 lần và khu vực nông thôn cao gấp 3,2 lần). Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của nhóm nghèo nhất với nhóm giàu nhất đã được cải thiện. Cơ cấu thu nhập tiến bộ hơn, tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, từ 44,8% năm 2010 lên 57% năm 2021.

Bảo đảm người lao động có việc làm bền vững
Việc làm bền vững là mục tiêu phát triển của thị trường lao động Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; nhiều địa phương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.

Đề xuất định hướng phát triển chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nêu 5 quan điểm và 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Nhà nước tiếp tục tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; dần thu hẹp việc làm phi chính thức; bảo đảm người lao động có việc làm bền vững; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho các ngành nghề trong xã hội; thực hiện hiệu quả chính sách việc làm công; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, các chính sách bảo hiểm cho người lao động khu vực phi chính thức.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần hướng tới đào tạo nghề nghiệp cho tất cả lao động, có kiến thức, kỹ năng, tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế; coi giáo dục nghề nghiệp là biện pháp căn bản thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; phổ cập nghề cho thanh niên; đa dạng hoá chủ thể đào tạo, phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại lao động.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nước ta hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau góp phần thực hiện khát vọng dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hoà và bền vững; tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được bảo đảm an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao; xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; góp phần xây dựng đất nước phát triển có thu nhập cao, xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Phạm Diệp

© Báo Tin tức - NetBiz