Chứng khoán: Vì sao 70.000 tỉ đồng “nhàn rỗi” không vực được thanh khoản?

08:04 | 19/09/2022 Print
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại được cho rằng chỉ bằng 30-50% so với thời đỉnh điểm khi thị trường có những phiên thanh khoản đạt trên 40.000 tỉ đồng trên sàn HSX.
Chứng khoán: Chiến thuật ra sao khi thị trường diễn biến khó lường? Dòng tiền bắt đáy có thể tạo ra nhịp phục hồi ngắn
Chứng khoán: Vì sao 70.000 tỉ đồng “nhàn rỗi” không vực được thanh khoản?
Hàng chục ngàn tỉ đồng đang nằm trong các tài khoản chứng khoán "chờ thời". Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Sự sụt giảm thanh khoản được xác định diễn ra đều ở tất cả các nhóm nhà đầu tư gồm nhóm nhà đầu tư cá nhân, nhóm nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại và khối tự doanh của các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên theo số liệu của FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân là nhóm có sự sụt giảm giá trị giao dịch lớn nhất, ngược với thời điểm trước tháng 1.2022.

Cụ thể, trong năm 2020, số dư tiền gửi (trong tài khoản chứng khoán) của nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh trong quý IV sau 3 quý trước đó giảm dần đều. Bước sang năm 2021, số dư tiền gửi có xu hướng giảm nhưng dư nợ vay margin (vay giao dịch ký quỹ) tăng. Đỉnh điểm đến quý I và II/2022 thì cả số dư tiền gửi và dư nợ vay margin giảm mạnh đột ngột. Điều đó cho thấy nhà đầu tư cá nhân trong nước đã liên tục rút vốn khỏi thị trường.

Cho dù gần đây, dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại có xu hướng mua ròng trên thị trường, tuy nhiên vẫn không thể bù đắp được khoảng trống thanh khoản suy giảm rất lớn từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Trước đó, thông tin được công bố là theo thống kê từ 10 công ty chứng khoán tốp đầu trên thị trường, khoảng 50.000 tỉ đồng “nhàn rỗi” đang nằm trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư. Con số này mới đây được bổ sung thêm, lên tới 70.000 tỉ đồng đang án binh bất động trong các tài khoản chứng khoán.

Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường như đề cập ở trên, đã giảm từ 30-50% so với thời đỉnh điểm.

Đơn cử thanh khoản trên sàn HSX, bình quân phiên tháng 6.2022 đạt xấp xỉ 14.680 tỉ đồng, bình quân phiên tháng 7 giảm xuống còn hơn 11.640 tỉ đồng, tháng 8 tăng lên mức hơn 15.750 tỉ đồng, còn từ đầu tháng 9 đến hết phiên ngày 16 vừa qua thanh khoản bình quân phiên đạt hơn 14.115 tỉ đồng.

Nhìn chung, tính từ thời điểm 1.7-16.9, thanh khoản bình quân phiên trên HSX đạt 13.853 tỉ đồng, thấp hơn mức bình quân phiên của tháng 6 khoảng 5,6%.

Như vậy, các thống kê về dòng tiền “nhàn rỗi” đang nằm trong các tài khoản chứng khoán dù thay đổi theo hướng gia tăng nhưng vẫn không thể làm thay đổi theo hướng vực dậy được thanh khoản trên thị trường.

Nguyên nhân chính vẫn được cho là do thị trường chứng khoán đang trong xu hướng giảm ngắn hạn và trung hạn, nhà đầu tư vẫn tiếp tục thận trọng, phòng thủ bằng cách giữ tiền trong tài khoản và hạn chế vay margin. Thêm nữa, hiện lãi suất vay margin cũng không còn được “rẻ” như trước.

Khoảng 70.000 tỉ đồng đang “án binh bất động” nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có động thái gì. Mà ngược lại, nhà đầu tư dù tạm thời đứng ngoài song vẫn theo dõi nhằm nắm bắt cơ hội, có thể xem xét giải ngân thăm dò hoặc lướt sóng với tỉ trọng nhỏ.

Theo Thế Lâm/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/chung-khoan-vi-sao-70000-ti-dong-nhan-roi-khong-vuc-duoc-thanh-khoan-1094730.ldo

© Báo Tin tức - NetBiz