Dùng AI để hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác

08:36 | 22/09/2022 Print
Theo số liệu thống kê, số lượng cuộc gọi rác trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2022 lên đến 23 triệu, tăng 2,3 lần so với trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2021. Nhiều người dùng phản ánh vẫn còn tình trạng “giội bom” khách hàng với các chiêu trò tư vấn bất động sản, hướng dẫn đầu tư tài chính, giới thiệu sản phẩm... Để hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần thêm tiêu chí giải quyết vấn đề lợi ích cho nhà mạng trong xử lý rác viễn thông.
Điện toán đám mây - cơ hội phát triển của nông nghiệp số Đối phó thế nào với những cuộc gọi rác làm phiền?
Dùng AI để hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác
Nhiều người dùng đau đầu vì bị các cuộc gọi rác quấy rầy.

Nở rộ mời chào đầu tư tài chính, tri ân khách hàng, cuộc gọi rác

14h ngày 21.9, chị Trần Thị Diệu Thuý (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) đang cuống cuồng hoàn thiện các công việc trong ngày thì nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ đầu 032. Đó là một cuộc điện thoại gọi chào mời chị tham gia thị trường chứng khoán quốc tế với tỉ suất sinh lời cao, giao dịch mua bán ngay trong ngày. Dù đã giải thích không có nhu cầu đầu tư nhưng nhân viên môi giới vẫn gặng hỏi nên rất mất thời gian.

Một trường hợp khác, anh Phạm Anh Hoàng (Sầm Sơn, Thanh Hoá) chia sẻ, anh vẫn thường hay nhận được những cuộc gọi “lạ” mời chào, nhận tham dự các “lễ tri ân”, hội nghị khách hàng nhưng từ những đơn vị chưa từng sử dụng dịch vụ. Nhân viên đầu máy bên kia ra rả thông báo mình là khách hàng may mắn được tri ân, tặng quà. Nhiều khi là các cuộc gọi thông báo trúng thưởng, giảm giá cho những chuyến đi du lịch gia đình hay khuyến nghị đầu tư, mua đất nơi này, nơi khác. Anh Hoàng cho hay, nhiều khi người dùng điện thoại “phát khùng” trước những cuộc gọi thế này. Có những ngày anh phải nhận tới 3-4 cuộc gọi ngoài ý muốn như thế này.

Chị Diệu Thuý, anh Hoàng chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp phải thường xuyên nhận các cuộc điện thoại “rác” với những thông tin quảng cáo liên quan tới đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, tri ân khách hàng…

Nhiều người dân còn nhận được các cuộc gọi rác, mạo danh cơ quan thi hành pháp luật gọi thông báo lỗi vi phạm giao thông, vi phạm pháp luật… Nếu người dùng không đủ tỉnh táo để bảo vệ mình thì rất dễ bị lừa gạt.

Cuộc gọi rác bùng phát, chống lại thế nào?

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số lượng cuộc gọi rác trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2022 lên đến 23 triệu, tăng 2,3 lần so với trung bình tháng trong 7 tháng đầu năm 2021. Thậm chí, tốc độ gia tăng cuộc gọi rác đang diễn ra phi mã. Cụ thể, tháng 1.2022 phát sinh hơn 10 triệu cuộc gọi rác thì đến tháng 3, lượng cuộc gọi rác tăng gấp đôi. Đến tháng 6 và 7, tình trạng cuộc gọi rác càng bùng phát mạnh mẽ hơn.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật phân tích, hiện nay có một nghịch lý đang thể hiện qua những con số, càng chống cuộc gọi rác thì tình trạng này càng bùng phát mạnh mẽ hơn. Bản chất của cuộc gọi rác dù tăng hay giảm cũng không có gì thay đổi, đó chủ yếu là cuộc gọi quảng cáo, bán hàng (telesale) gọi đến ngoài ý muốn của người nhận, còn lại là những cuộc gọi lừa đảo. Cả 2 loại cuộc gọi này đang được xem là “bất trị”.

Tuy nhiên, với cuộc gọi lừa đảo nếu đối tượng thực hiện cuộc gọi từ trong “bóng tối” thì cuộc gọi telesale đối tượng thực hiện lại chính từ các công ty, tổ chức, doanh nghiệp về kinh doanh và thương mại, dịch vụ trong các lĩnh vực như bất động sản (phát triển dự án và phân phối), bảo hiểm, chứng khoán quốc tế, bán kỳ nghỉ du lịch, bán khóa học online, mời gọi đầu tư…

Luật sư Bình cho rằng, để hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần thêm tiêu chí giải quyết vấn đề lợi ích cho nhà mạng trong xử lý rác viễn thông. Theo đó, các nhà mạng cần tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi “rác”.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà mạng đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để chủ động phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong 7 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp đã chặn (khoá, huỷ) gần 190.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác.

Cục Viễn thông cho biết, hiện các nhà mạng áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (big data), học máy (machine learning) đối với tất cả các cuộc gọi, đồng thời kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định cuộc gọi “rác”, từ đó thực hiện biện pháp khóa chiều gọi đi của thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”.

Trước thực trạng cuộc gọi rác đang tấn công khách hàng, Bộ TTTT thông tin đã nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai nhiều biện pháp để xử lý. Bộ TTTT đã có yêu cầu các nhà mạng nghiêm túc thực hiện việc chặn cuộc gọi rác. Nếu nhà mạng nào không làm nghiêm sẽ bị xử phạt.

Bộ TTTT đã nhắn tin cho người dân đề nghị chung tay góp sức với doanh nghiệp viễn thông nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác. Theo đó, người dân khi nhận được tin nhắn khảo sát của doanh nghiệp (được gửi tới ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ cuộc gọi rác) hãy chủ động trả lời là “Có” hoặc “Không” trên tin khảo sát.

Ngoài ra, thuê bao có thể phản ánh cuộc gọi “rác” bằng cách soạn tin nhắn miễn phí gửi tới đầu số 5656. Cú pháp phản ánh cuộc gọi rác: V [nguồn phát tán] [nội dung cuộc gọi “rác”] gửi 5656; hoặc V (nguồn phát tán) (nội dung cuộc gọi “rác”) gửi 5656. Ví dụ: V (0987654321) (Cuộc gọi quảng cáo giới thiệu sản phẩm dịch vụ bất động sản của công ty A) gửi 5656. Hoặc phản ánh qua website https://thongbaorac.ais.gov.vn của Bộ TTTT hoặc tổng đài CSKH, các ứng dụng của nhà mạng.

Theo Vương Trần/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/dung-ai-de-han-che-cac-cuoc-goi-rac-tin-nhan-rac-1095901.ldo

© Báo Tin tức - NetBiz