Nhận được tiền chuyển khoản nhầm, phải xử lý như thế nào?

15:16 | 29/09/2022 Print
(LG) Thời gian qua, nhiều ngân hàng ghi nhận các trường hợp chuyển nhầm tiền qua số tài khoản. Theo quy định của pháp luật, nếu là người nhận được tiền, biết là chuyển nhầm nhưng không trả lại và tự ý sử dụng sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Ủng hộ đề xuất nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao
Nhận tiền chuyển khoản nhầm, phải xử lý như thế nào?
(Ảnh minh họa: HP)

Chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, qua ATM là giao dịch ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày hiện nay. Thuận tiện là vậy nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp xảy ra sai sót dẫn đến việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác. Sai sót này thường do người chuyển không kiểm tra kỹ thông tin người hưởng khi thực hiện giao dịch. Việc chuyển nhầm cũng gây ra rất nhiều phiền toái cho cả người chuyển lẫn người nhận.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.

Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.

Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào và cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.

Mọi người cần chú ý, tuyệt đối không sử dụng số tiền chuyển nhầm kia. Nếu sử dụng sẽ bị quy vào tội chiếm đoạt tài sản, với số tiền từ 10 - 200 triệu đồng, người tiêu tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Hà Phong

© Báo Tin tức - NetBiz