Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành hạt nhân Khu đô thị sáng tạo phía Đông

20:21 | 29/10/2022 Print
(LG) Đến năm 2045, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo phía Đông, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đà Nẵng: Chấp thuận nhà đầu tư trung tâm tế bào gốc gần 455 tỷ đồng Đà Nẵng: Quỹ đất còn thiếu, mặt bằng giá khá cao TP.HCM: Đìều chỉnh tăng vốn thêm gần 850 triệu USD cho 3 dự án tại Khu Công nghệ cao

Ngày 29/10, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Theo báo cáo của SHTP, trong 20 năm qua, đơn vị đã kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và phương thức xây dựng SHTP theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng đến ngày 30/6/2022 là 10.007,3 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2022, SHTP đã thu hút được 160 dự án, trong đó 7 dự án sản xuất công nghệ cao, 19 dự án dịch vụ công nghệ, 19 dự án nghiên cứu triển khai, 9 dự án đào tạo, ươm tạo… Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NNT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc)… Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,16 tỷ USD/51 dự án, tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án. Giải ngân vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt 5,585 tỷ USD, chiếm 46,4%.

Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành hạt nhân Khu đô thị sáng tạo phía Đông
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập SHTP.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng SHTP cho biết, bên cạnh những kết quả quan trọng về thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM và cả nước, điều quan trọng là tại SHTP đã hình thành những hệ sinh thái lành mạnh và cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh. “Tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo phía Đông, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Ông Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập SHTP, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá Khu Công nghệ cao đã trở thành trung tâm quốc gia về công nghệ, là hạt nhân, động lực phát triển khoa học công nghệ cho khu vực phía đông TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành, SHTP cần khẩn trương mở rộng Khu công nghệ cao giai đoạn 2 với chức năng của một công viên sáng tạo khoa học mở. Đồng thời, cần sớm ban hành kế hoạch, có lộ trình tái cơ cấu, nhanh chóng cập nhật tiêu chí đầu tư mới theo hướng chọn lọc, có trọng tâm với các lĩnh vực ưu tiên như vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, môi trường…. "Nơi đây không chỉ tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao mà phải là nơi sáng tạo, cung cấp công nghệ cho nền kinh tế", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành hạt nhân Khu đô thị sáng tạo phía Đông
Tầm nhìn đến năm 2045 Khu Công nghệ cao sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Định hướng phát triển Khu Công nghệ cao trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, SHTP cần mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động công nghệ, qua đó kiến tạo ra những ngành công nghiệp mới cho quốc gia. Đồng thời cần xác định vai trò đầu tàu trong phát triển, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Thành Đồng

© Báo Tin tức - NetBiz