Đại biểu Quốc hội đề nghị đảm bảo ổn định lãi suất cho vay

07:20 | 30/10/2022 Print
(LG) Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, cần giảm áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất trong thời gian tới.
Bộ Tài chính: DN xăng dầu gặp vướng mắc do chưa thực hiện đúng, đủ quy định Khiếu nại liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng rất nhanh

Nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) cho hay, trên thực tế, doanh nghiệp đang thực sự khát vốn. Nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trong 2 quý đầu năm, tín dụng tăng trung bình là 1,56%/tháng và 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng khoảng 9,35%, đã giúp cho nền kinh tế phục hồi khá tích cực. Tuy nhiên, trong quý III vừa qua thì dư nợ tín dụng chỉ tăng trưởng trung bình ở mức 0,18 - 0,2%/1 tháng và mức 9 tháng là 10,27%. Đồng thời, gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai khá chậm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị đảm bảo ổn định lãi suất cho vay
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ). (Ảnh: Quốc hội)

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/8/2022, chỉ có 580 khách hàng với số tiền lãi đã hỗ trợ lãi suất khoảng 13 tỷ đồng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 9.820 tỷ đồng trên tổng số nguồn lực chi cho chính sách này là 40.000 tỷ đã khiến cho nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai do thiếu vốn, các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ...

Để giúp cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước trong hơn 1 tháng qua, đã hai lần điều chỉnh nâng lãi suất điều hành vào các ngày 23/9 và 24/10, mỗi lần tăng 1 điểm phần trăm và đồng thời cũng điều chỉnh tăng trần lãi suất tiền gửi, như vậy là khả năng nới room tín dụng từ nay đến cuối năm như kỳ vọng của các nhà đầu tư là hết sức khó khăn.

Để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đồng thời, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính và đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chi phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay...

Đại biểu Quốc hội đề nghị đảm bảo ổn định lãi suất cho vay
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái). (Ảnh: Quốc hội)

Cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho biết, theo phản ánh của cử tri và doanh nghiệp, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nhưng khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng do ngân hàng thương mại đã hết room tín dụng, hoặc thiếu vốn cho vay do chưa thu hồi được các khoản tín dụng đến hạn, cũng như khó khăn trong việc huy động tiền gửi của khách hàng.

Đặc biệt sau khi Chính phủ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước siết chặt điều kiện cho vay đối với một số lĩnh vực thì nguy cơ thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và mức độ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngày càng tăng cao.

Để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay.

Chính phủ cần có các biện pháp giám sát chặt chẽ lãi suất đầu ra của các ngân hàng thương mại để không hạn chế khả năng các thành phần kinh tế thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất phù hợp và không phát sinh các khoản phí khác.

Đồng thời, cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất, tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu, để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã được Quốc hội quyết định.

Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn an toàn, hiệu quả cho các dự án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

“Trong khi thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lượng tiền cung ứng đối với nền kinh tế, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách về tài khóa, quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án về cơ sở hạ tầng”, đại biểu Nguyễn Thành Trung nói.

Đại biểu Quốc hội đề nghị đảm bảo ổn định lãi suất cho vay
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh cần giảm áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất trong thời gian tới. Theo đại biểu, cần đưa các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, công nghiệp chế biến, chế tạo đưa vào diện để hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, miễn giảm, giãn thuế, đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung vào xuất khẩu để tăng thêm nguồn thu.

Với các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp này đa dạng hóa thị trường nhập khẩu bằng cách sử dụng các ngoại tệ khác nhau, tránh phụ thuộc quá nhiều vào đôla để chúng ta giảm áp lực lên tỷ giá. Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định tỷ giá, tránh những cú sốc ngắn hạn trong biến động của lãi suất...

Phương Thảo

© Báo Tin tức - NetBiz