Nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần các giải pháp đồng bộ

16:43 | 14/06/2022 Print
(LG) Mặc dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, song tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn trên thị trường vì bản chất các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi.
Tín hiệu khởi sắc từ thị trường lao động Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững Tăng sức bật cho thành phố “đầu tàu”: Cần có những cơ chế đặc thù

Trên thị trường hiện nay xuất hiện quá nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng khiến nông dân cảm thấy hoang mang trong việc chọn mua phân về bón cho cây trồng.

Tại cuộc Đối thoại chuyên đề “Phân bón giả - Tác hại thật”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 10 công ty sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh 2.824 sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2021, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy 135 mẫu phân bón và 81 mẫu thuốc bảo vệ thực vật tại 102 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh để thanh kiểm tra.

Kết quả, 42/135 mẫu phân bón vi phạm chất lượng bao gồm các lỗi: phân bón giả, phân bón không đạt chất lượng. 5/81 mẫu thuốc bảo vệ thực vật vi phạm chất lượng gồm thuốc giả; thuốc kém chất lượng. Trong quý 1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 2 cuộc thanh, kiểm tra tại 37 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh và phát hiện 5 cơ sở kinh doanh phân bón và 3 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm.

Nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần các giải pháp đồng bộ
Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa: BT)

Ông Lê Tiến Hùng – Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau cho rằng, phân bón giả, kém chất lượng như “tội ác” gây ra cho khách hàng, cụ thể là người nông dân, những người tiêu thụ cuối cùng. Giá phân bón hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tấn, như vậy chỉ cần làm giả 200 tấn đã có 4 tỷ đồng.

Thực tế có những sản phẩm tỷ lệ bị làm giả lên đến 80%, nghĩa là hàng thật chỉ có 20%. Như vậy, về kinh tế là thiệt hại rất lớn, đặc biệt với xã hội là xói mòn niềm tin cũng như ảnh hưởng ghê gớm đến các ngành sản xuất phân bón, vật tư cho nông nghiệp, không những năm nay mà nhiều năm về sau.

Với những doanh nghiệp mất công gây dựng thương hiệu trên thị trường nếu bị làm nhái sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến thương hiệu, đồng thời, làm hoạt động tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Nhưng thiệt hại lớn nhất là niềm tin của người nông dân đối với các nhà sản xuất lớn.

Về mặt tài chính và thương hiệu của doanh nghiệp cũng bị thiệt hại, khi đầu vào chất lượng phân bón bị làm giả thì năng suất sẽ thấp, chất lượng đầu ra thấp, từ đó tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ yếu đi.

Bà Bùi Thị Thanh Giang, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam cho biết: “Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón”.

Để có chế tài liên quan đến xử lý phân bón giả, hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, gồm: Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cả ba Nghị định này đã bao trùm đầy đủ hành vi, chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm.

Mặc dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, song tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn trên thị trường vì bản chất các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi. Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, từ thanh tra thường xuyên đến thanh tra đột xuất... nhưng vẫn còn một số hiện tượng sản xuất phân bón giả ở một số nơi vì các doanh nghiệp thường chọn vùng sâu, vùng xa, tổ chức sản xuất vào các thời điểm khác nhau như sản xuất vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, họ sản xuất ở tỉnh này nhưng đi bán ở nhiều tỉnh khác, bán với số lượng rất nhỏ ở các đại lý để trốn tránh hành vi vi phạm. Với các đại lý, vì lợi nhuận, họ còn cam kết với nhau như “khế ước ngầm” nhằm tạo niềm tin cho người dân. Nguồn lực thanh tra ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định hiện nay tình trạng sản xuất phân bón giả được kiểm soát tương đối, còn xảy ra ở một vài nơi.

Để giải quyết vấn đề, cần các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp… để đưa ra các biện pháp đúng, xử lý triệt để các vấn đề này. Cần nâng cao năng lực, trình độ nguồn lực thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương để triển khai đồng loạt trên diện rộng nhằm kiểm soát tốt, dẹp được mầm mống của các đối tượng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; xây dựng hệ thống giám sát sản phẩm giả, nhái thương hiệu để người dân dễ dàng tiếp nhận. Phối hợp với công ty công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu giúp lực lượng chức năng, người dân, doanh nghiệp nhận diện được sản phẩm, có thể tra cứu trên điện thoại di động, các phương tiện thông tin đại chúng.

“Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đưa vào đề án chuyển đổi số của Bộ. Đây là một trong những giải pháp chúng tôi cho rằng rất hữu ích, giúp xã hội, người dân nhận biết sản phẩm, giảm thiểu việc sử dụng, giảm động cơ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng”, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết.

Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, người nông dân đang trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, nghĩa là vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz