Xuất khẩu sang châu Âu:

Việt Nam sẵn sàng với những cuộc chơi tiêu chuẩn cao

11:55 | 13/11/2022 Print
(LG) Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang mở ra triển vọng cho hàng hóa Việt Nam tham gia vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới, trong đó có thị trường Anh, Bắc Ireland. Tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chinh phục tiêu chuẩn của thị trường này và ngày càng cho thấy sự sẵn sàng với những cuộc chơi tiêu chuẩn cao.
Tận dụng lợi thế từ UKVFTA: Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy để nắm bắt cơ hội Tận dụng UKVFTA có mặt hàng xuất khẩu vào UK tăng trưởng 100% Giá USD đắt đỏ, cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu đều lo ngại

Tại Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội UKVFTA”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, Việt Nam đang khai thác rất tốt lợi thế xuất nhập khẩu của UKVFTA, đặc biệt là cơ cấu hàng hóa của Việt Nam vào Anh. Các mặt hàng của Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu của Anh, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng cuối cùng như dược phẩm, thực phẩm, nông sản, dệt may, thủy sản,...

Kể cả thời điểm gặp khó trên thị trường đầu năm nay, thủy sản xuất khẩu sang Anh vẫn tăng 2 con số. Hoặc ngay cả khi Anh gặp khó về câu chuyện lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu thì thị trường này vẫn quan tâm đến các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.

Anh là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn cao, nhưng hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đáp ứng được. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Anh Dương phân tích: “Việt Nam đã thực hiện các tiêu chuẩn cao từ trước đó, ví dụ như thực hiện CTTP từ giữa tháng 1/2019, hay EVFTA từ tháng 8/2020.

Doanh nghiệp đã nâng cao về ý thức, nâng cao sự chuẩn bị đối với các tiêu chuẩn này. Đối với thị trường Anh, chúng ta đã có nền tảng nhất định và trong thời gian tới, tới nền tảng ấy cũng có cơ hội cải thiện. Cùng với dự hiện diện của các nhà đầu tư Anh tại Việt Nam, thị trường Anh cũng có sự nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt”.

Việt Nam sẵn sàng với những cuộc chơi tiêu chuẩn cao
Đồ gỗ nội thất đang là mặt hàng xuất khẩu ghi dấu ấn tại thị trường Anh. (Ảnh: Hà Lê)

Sự tham gia hợp tác trong các chuỗi giá trị gắn với nguyên liệu đầu vào trong lĩnh vực dệt may, da giày, cũng là hình ảnh cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực trong việc khai thác lợi thế gắn với chuỗi cung ứng. Bởi, chuỗi cung ứng không chỉ là cạnh tranh về giá, chất lượng mà còn là vấn đề quản lý chuỗi gắn với thời gian giao hàng, về năng lực thực hiện đơn hàng theo yêu cầu của đối tác. Đó là điểm đặc biệt trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện được.

Trước những lo ngại về việc Anh đang trong quá trình đa dạng hóa nguồn cung và mở rộng thị trường, cơ hội của Việt Nam sẽ bị lung lay khi vương quốc này có xu hướng đa dạng hóa địa điểm, ông Nguyễn Anh Dương nhận định, trong bối cảnh thế giới khó lường, các nước sẽ có tư duy không dám “chơi hết mình” với bất cứ đối tác nào, thì UKVFTA chính là cơ hội cho Việt Nam nếu có chỗ đứng vững chắc ở thị trường này.

Cùng với đó, Anh đang gặp khó khăn từ giá năng lượng, lạm phát tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng. Khả năng cung ứng là yếu tố khó giải quyết trong ngắn hạn, mà Việt Nam lại có lợi thế khai thác ngắn hạn. Nếu các doanh nghiệp Việt chủ động theo dõi sát tình hình sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội, điển hình như việc lệnh cấm xuất khẩu từ Nga thời gian qua đã tạo ra cơ hội cho cá tra của Việt Nam.

Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao: thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021. Riêng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%.

Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh. Những kết quả tích cực như vậy cho phép Việt Nam lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả hai nước.

Ông Nguyễn Anh Dương cũng cho rằng, muốn phát huy được lợi thế và sẵn sàng tham gia cuộc chơi tiêu chuẩn cao của thị trường Anh cũng như EU, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ từ doanh nghiệp, hiệp hội cho đến Chính phủ.

“Chúng ta cần tăng cường đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư từ Anh và Bắc Ireland để tạo niềm tin với đối tác, rằng Việt Nam là nền kinh tế ổn định, tăng trưởng nhanh và sẵn sàng chơi với những cuộc chơi tiêu chuẩn cao. Minh chứng là những năm Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã lắng nghe và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, tìm lối đi, đưa kinh tế vượt qua dịch bệnh. Sự cởi mở, lắng nghe giữa hai bên sẽ giúp cho mạng lưới cung ứng và người tiêu dùng Anh có cái nhìn tích cực hơn đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.

Ông cũng đề xuất Bộ Công Thương cần cung cấp nhiều thông tin hơn về thị trường Anh, xu hướng tiêu dùng mới trong bối cảnh hiện nay để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội. Nguồn thông tin chính thống luôn là nguồn tin quan trọng đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp và các nước đều đang theo cơ chế thị trường, không còn chờ quá nhiều vào cơ chế, sự bảo hộ của nhà nước. Vì vậy, các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu hệ thống xử lý tranh chấp thương mại hiện đại, trực tuyến để giảm chi phí và xử lý nhanh các tình huống tranh chấp, với hệ thống công nghệ thông tin và pháp lý tương ứng.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz