Chuyển đổi số giải pháp thiết yếu hướng tới sản xuất thông minh

09:16 | 18/11/2022 Print
(LG) Cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ, trở thành xu thế mới trên khắp thế giới. Trong đó, chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất hướng tới cải tiến thông minh, cải thiện nhân lực và công nghệ. Song song với cơ hội lớn như vậy là những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt để tiếp cận cơ hội to lớn này.
“Dấu chân số” có thể ảnh hưởng cơ hội việc làm của sinh viên Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số

Công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là một thành phần quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và nền kinh tế nói chung, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nước.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành và doanh nghiệp. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung nguyên liệu gián đoạn hoặc khan hiếm; thị trường đầu ra giảm mạnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu.

Chuyển đổi số giải pháp thiết yếu hướng tới sản xuất thông minh

Chuyển đổi số giải pháp thiết yếu hướng tới sản xuất thông minh. (Ảnh: Lan Anh)

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh”, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ không nằm ngoài bối cảnh và xu thế chung của dịch bệnh và chuyển đổi số. Trước những biến động khó lường và những tác động tích cực, tiêu cực đan xen của nền kinh tế thế giới tới nền kinh tế Việt Nam, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới.

Hơn thế nữa, để bắt kịp với xu hướng số hoá toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể là cú hích lớn để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.

“Từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng thông minh, tạo môi trường tìm kiếm đối tác và cơ hội mới, đồng thời cập nhật thông tin mới về các chính sách hỗ trợ cũng như thông tin cung - cầu ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Darryl James Dong - Chuyên gia Tài chinh trưởng của IFC tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp một doanh nghiệp thành công trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.

“Đại dịch Covid là một hồi chuông cảnh báo khi một khảo sát của McKinsey cho thấy những công ty sớm thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã ứng phó với điều kiện hoạt động mới trong đại dịch tốt hơn hẳn so với các công ty khác. Chuyển đổi số giúp cải thiện sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu cho doanh nghiệp trước các cú sốc”, ông Darryl James Dong nhấn mạnh…

Trong bối cảnh hiện tại, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Quá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực.

Như vậy, trong khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số tiên phong và đáng tin cậy, đồng thời cần có sự hỗ trợ về thể chế và triển khai từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh đạt kết quả cao, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đỗ Đạt

© Báo Tin tức - NetBiz