Phát triển sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị nông sản địa phương

17:26 | 19/11/2022 Print
(LG) Những năm vừa qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại hiệu quả rõ nét trên địa bàn Hà Nội. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Điểm sáng về phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng Mỗi huyện, thị xã sẽ có Trung tâm thiết kế, sáng tạo, quảng bá và bán sản phẩm OCOP

Điển hình như tại huyện Thường Tín (Hà Nội), thời gian qua, nhiều nông sản, hàng hóa của địa phương đã được thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Phát huy thế mạnh địa phương, Thường Tín tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm chất lượng để tham gia chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân…

Huyện Thường Tín hiện có 11 cụm công nghiệp với cả ngàn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp. Huyện có 126 làng nghề, trong đó 49 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như: 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị nông sản địa phương
Những năm qua, các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực. (Ảnh: Đỗ Đạt)

Để phát huy thế mạnh địa phương, huyện Thường Tín đã tập trung chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP. Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm nêu bật vai trò của chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao...

Đến nay, huyện Thường Tín có 152 sản phẩm của 17 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã được Thành phố đánh giá, phân hạng OCOP. Trong đó 140 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao. Đây đều là những mặt hàng chất lượng, là những sản phẩm đặc trưng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh hỗ trợ chủ thể tiếp cận các chuỗi liên kết, huyện Thường Tín cũng đang xây dựng và mở rộng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để người dân có thể mua sắm, sử dụng các loại nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm.

Trên địa bàn huyện Thường Tín, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện tham gia chương trình OCOP, hiện có nhiều sản phẩm rau được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ: Hợp tác xã đã xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường 300 kg rau/ngày, 100% sản phẩm đều được dán mã QR code, đem lại doanh thu hàng tỉ đồng/năm.

Chương trình OCOP giúp cho nông sản của hợp tác xã khẳng định được chất lượng trên thị trường, được kết nối để tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài thành phố, góp phần tăng sức tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 3 tỉ đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập ổn định từ 6-9 triệu đồng/người/tháng…

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị nông sản địa phương
Nhiều nông sản, hàng hóa của huyện Thường Tín đã được thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 3 sao, 4 sao. (Ảnh: K.Tiến)

Tương tự, tại huyện Thạch Thất, sau gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Thạch Thất là một trong những huyện có nhiều sản phẩm được thành phố Hà Nội đánh giá, xếp hạng, công nhận. Chương trình đã thay đổi tư duy sản xuất của các chủ thể tham gia và cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, xếp hạng, trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: Sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (xã Canh Nậu); rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải; rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)…

Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã... đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Trong năm 2022, Thạch Thất đăng ký phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng 142 sản phẩm đã được thành phố đánh giá phân hạng; quan tâm đến một số sản phẩm rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có tiềm năng đạt 5 sao...

Được biết, để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.

Đối với các chủ thể tham gia OCOP tại các làng nghề, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… phù hợp nhu cầu thị trường và chuẩn bị hồ sơ để Thành phố đánh giá phân hạng vào cuối năm 2022.

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho biết, với quy mô hơn 30ha chuyên sản xuất rau hữu cơ, trong đó có nhiều loại rau rừng, thảo dược mang tính đặc sản, quy trình sản xuất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sản xuất rau hữu cơ, trang trại đã đạt các chứng nhận quốc tế, một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhờ xây dựng được thương hiệu OCOP nên sản phẩm rau của trang trại tiêu thụ mạnh tại các kênh phân phối hiện đại, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch…

Có thể thấy, thời gian qua, OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, Hợp tác xã và doanh nghiệp được nâng cao, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tuy vậy, nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước tiến tới xuất khẩu.

K.Tiến

© Báo Tin tức - NetBiz