Thị trường bất động sản trong trạng thái… chờ đợi!

08:31 | 05/12/2022 Print
(LG) Nhà đầu tư ôm nhiều bất động sản, sử dụng đòn bẩy tài chính đang loay hoay tự cứu mình. Trong khi đó, các nhà đầu tư “mạnh vốn, bạo tiền” thì vẫn chờ thị trường giảm giá sâu hơn nữa; chờ tín hiệu nền kinh tế; chờ động thái tiếp theo của cơ quan quản lý nhà nước…
Thị trường bất động sản 2023: Không chỉ có những gam màu sáng Nhiều tháng không có giao dịch, môi giới bất động sản ngán ngẩm bỏ nghề Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản

Tâm lý chờ đợi bao trùm thị trường

Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định: Tâm lý bao trùm thị trường bất động sản hiện nay là “chờ”. Bên cạnh các nhà đầu tư sẵn dòng tiền chờ các động thái từ thị trường mới đưa ra quyết định đầu tư thì các nhà đầu tư non vốn cũng đang cố “gồng” để chờ thị trường phục hồi. Chính động thái chờ này khiến thị trường cuối năm lại càng ảm đạm thanh khoản.

Theo ghi nhận, thị trường bất động sản tăng dần hiện tượng cắt lỗ. Giao dịch bất động sản trầm lắng, giá nhà đất có xu hướng đi xuống, nhiều nhà đầu tư ôm nhiều nhà đất và sử dụng đòn bẩy tài chính đang loay hoay tìm cách tự cứu lấy mình. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư mạnh vốn cũng chưa sẵn lòng xuống tiền ngay mà tiếp tục chờ và nghe ngóng thị trường.

Thị trường bất động sản trong trạng thái… chờ đợi!
Hiện tượng nhiều người bán, ít người mua và không có thanh khoản trên trị trường sẽ còn kéo dài, thậm chí hết năm 2023. (Ảnh minh họa: H.P)

Có thể thấy, trước chính sách tín dụng, nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng là chủ yếu bắt buộc phải đẩy hàng vì không có khả năng cầm cự, cùng với tâm lý sợ thị trường bất động sản chững lại và đóng băng thời gian tới. Bên cạnh đó, về phía người mua có tâm lý dè dặt, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường bất động sản có tiếp tục xuống giá sâu hơn mới xuống tiền đầu tư. Hiện tượng nhiều người bán, ít người mua và không có thanh khoản trên trị trường sẽ còn kéo dài, thậm chí hết năm 2023.

Do vậy, thách thức mà thị trường phải đối mặt là dấu hiệu giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. “Thị trường bất động sản đang đối mặt với nghịch lý đã xuất hiện nhiều người bán nhưng ít người mua. Hiện nay, những nhà đầu tư, hoặc người có nhu cầu mua thực đang có tâm lý đợi giá giảm sâu hơn khiến thị trường trầm lắng”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

Thông tin với báo chí, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, chính sách pháp lý dự án là một trong các vấn đề đã tồn đọng quá lâu và kéo dài dẫn đến sụt giảm nguồn cung, gây áp lực lên mặt bằng giá và hiệu quả kinh doanh do thời gian triển khai dự án kéo dài ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Điều quan trọng không kém đó chính là niềm tin của người dân và nhà đầu tư vào chính sách điều hành, quản lý của nhà nước, niềm tin vào tiềm năng của thị trường phải được quan tâm và củng cố.

“Nếu không giữ vững điều này tâm lý chung của thị trường sẽ tiếp tục thận trọng và thị trường sẽ càng khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Những chuyện “dở khóc dở cười”

Anh Đặng Nam Thanh, một nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, đầu năm vừa qua, anh mua một mảnh đất rộng gần 200m2, với giá 6 tỷ đồng tại Sơn Tây. Chưa được bao lâu thì thị trường rơi vào trầm lắng, theo đó, anh chật vật rao bán cắt lỗ với giá 5,4 tỷ đồng, nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa tìm được chủ mới.

“Hồi đầu năm 2022, thị trường bất động sản vẫn khá “nóng”. Khi đó, tôi mạnh tay vay thêm 2 tỷ đồng mua. Song, đến quý II, nhiều khu vực chững lại, giá bất động sản tăng chậm. Theo dõi thị trường một thời gian không thấy khả quan nên đến cuối tháng 9 tôi bắt đầu rao bán cắt lỗ. Nhiều môi giới cũng đều lắc đầu cho biết, thời điểm này rất khó bán”, anh Thanh kể.

Thị trường bất động sản đều trong trạng thái… chờ đợi!
Mọi toan tính của nhà đầu tư đổ vỡ khi thị trường bất ngờ hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: H.P)

Đang rao bán cắt lỗ đất nền, chị Đặng Kim Dung, một nhà đầu cho hay, cuối năm 2021 chị có mua một mảnh đất rộng 7.200m2 tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Theo dự định ban đầu, chị Dung chỉ tính “lướt sóng” vài tháng, khi thị trường vẫn đang còn “nóng”. Tuy nhiên, mọi toan tính của chị đổ vỡ khi thị trường bất ngờ hạ nhiệt.

“Tôi rao bán cắt lỗ nhưng nhiều người chỉ đến xem rồi thôi. Thực tế, lúc mua thị trường vẫn đang “nóng” nên tôi quyết định vay gần một nửa giá trị mảnh đất. Giờ tôi rất muốn bán để thanh toán ngân hàng và trả nợ người thân cho xong, thế nhưng vẫn chưa có người mua dù tôi đã chấp nhận cắt lỗ khá sâu rồi”, chị Dung nói.

Thực tế, những nhà đầu tư chạm chân vào cuối cơn sóng của thị trường bất động sản đang “dở khóc dở cười”, chưa có lời nhưng đã phải rao bán “cắt lỗ”. Mặt khác, với những người đã mua bất động sản cách đây khoảng 2 năm trở lên, chuyên gia cho rằng, vẫn chỉ đang giảm lãi, chưa đến mức cắt lỗ.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, một chuyên gia trong giới đầu tư nhận định, thị trường đang ngập tràn thông tin “cắt lỗ”, “xả hàng”… nhưng thực tế chỉ là giảm một phần lợi nhuận. Đà giảm giá sẽ tiếp tục và có thể xuất hiện vùng trũng vào năm 2023.

Cũng theo ông Hùng, những khó khăn của thị trường bất động sản chắc chắn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ việc tiếp tục rót tiền, thậm chí vay nặng lãi để cố gồng giữ tài sản chờ lên giá. Nếu quá nhiều rủi ro, lời khuyên là nên mạnh dạn cắt lỗ.

Có một thực tế là sau khi hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư đang phải trả lãi suất vay ngân hàng lên tới 12 - 14%/năm, gây nên những áp lực rất lớn, không ít trường hợp phải đi vay ngoài để trả lãi, cực kỳ nguy hiểm. Để thoát được hàng, không còn cách nào khác là giá phải giảm về mức chấp nhận được.

“Trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư nên mạnh tay giảm sâu hơn để cắt lỗ. Đầu tư thì có thắng có thua, vì vậy nếu cảm thấy gánh nặng quá lớn thì nên dứt khoát để thu tiền về, đợi những cơ hội sau. Việc “gồng” quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn”, ông Hùng khuyến cáo.

Hà Phong

© Báo Tin tức - NetBiz