Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai

11:20 | 14/12/2022 Print
(LG) Lần đầu tiên tại Đồng Nai, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” sản xuất nông nghiệp khu vực phía Nam, hai chàng trai Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp đã chung tay phát triển mô hình trồng chanh lấy lá, đem lại nguồn kinh tế lớn cũng như giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Mô hình khởi nghiệp này đang thu hút sự quan tâm tìm hiểu của người dân và chính quyền địa phương nơi đây.
Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai "bứt tốc" sau dịch Covid-19
Những hình ảnh tuyệt đẹp tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai Những hình ảnh tuyệt đẹp tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án sân bay Long Thành trong tháng 7/2022 Bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án sân bay Long Thành trong tháng 7/2022

Đến vùng đất Long Thành, hỏi trang trại trồng chanh lấy lá thì ai cũng biết và sẵn sàng chỉ tới anh Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp. Trang trại trồng chanh của 2 anh có quy mô lên tới gần 30ha tại Ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, hiện vừa tiêu thụ ở trong nước đồng thời mở rộng sang cả nhiều thị trường khó tính ở nước ngoài.

Trong đó khu vườn riêng để trồng chanh lấy lá rộng hơn 5ha. Khoảng 3 năm nay, Tiến và Hiệp bắt tay vào thực hiện mô hình tại trang trại. Nguồn gốc ý tưởng này bắt đầu từ thời gian trước đó, khi những dịp đi về miền Tây Nam Bộ, anh Tiến thấy hầu như nhà dân nào cũng trồng một vài cây chanh nhưng không quan trọng việc cây ra trái mà chỉ chủ yếu là để lấy… lá.

Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai
Trang trại trồng chanh lấy lá rộng gần 30ha của anh Tiến và anh Hiệp tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành.

Bởi lẽ trong chế biến nhiều món ăn hàng ngày, cũng như khi làm các món đặc sản, không thể thiếu hương vị lá chanh, nhất là những món liên quan đến gà, cá. Từ đó, anh Tiến chợt nảy ra ý tưởng sẽ đầu tư, lập trang trại trồng chanh lấy lá phục vụ thị trường. Mặc dù là hướng đi mới nhưng anh Tiến tự tin rằng, chắc chắn sẽ thành công.

Nuôi ý tưởng này, anh Tiến đã liên hệ với người bạn cũ của mình là anh Nguyễn Văn Hiệp, cũng đang làm ăn, kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp gia vị tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Đồng chí hướng, hai người bạn nhanh chóng bắt tay triển khai mô hình và đã tạo nên trang trại trồng chanh Thái thu hoạch lá với quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Đồng Nai.

Chanh Thái còn có nhiều tên gọi như cây Chúc, Chấp… là cây bản địa ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào. Loài cây này ngoài làm gia vị còn là nguyên liệu làm thuốc trong y học và làm mỹ phẩm. Đối với việc làm gia vị, lá chanh Thái nổi tiếng được ưa chuộng tại Thái Lan. Chanh Thái cho ra quả quanh năm nhưng chủ yếu cây trồng ở khắp nơi đều chỉ để sử dụng lá. Mùi thơm của lá chanh Thái được đánh giá là mạnh gấp 5 lần chanh thường. Cây dễ trồng, sống rất khỏe, chịu hạn giỏi.

Việc đầu tư được thực hiện bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đến nay, trang trại đã bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình trong 3 tháng sẽ cho 2 tấn lá. Lá chanh tươi thu mua tại vườn hiện giao động khoảng 160.000/kg.

Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai
Để đạt năng suất cao, người trồng phải thường xuyên chăm sóc, tỉa cành cho cây chanh.

Hai anh Tiến và Hiệp cho biết, hiện sản phẩm lá chanh từ trang trại được tiêu thụ trong nước để làm gia vị, đồng thời xuất khẩu đi Châu Âu để sử dụng làm tinh dầu. Trang trại thực hiện bán cả lá chanh tươi, sấy khô nguyên lá hoặc thái sợi hay xay thành bột khi cung cấp ra thị trường.

Chia sẻ với Phóng viên Báo Lao động Thủ đô, anh Tiến và anh Hiệp cho hay, bản thân đang lên kế hoạch mở rộng thêm, thực hiện một số trang trại trồng chanh lấy lá tại Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM...

Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai
Thu hoạch lá chanh tại trang trại của anh Tiến và anh Hiệp.

“Nhu cầu thị trường đang rộng mở nên chúng tôi đã quyết định phát triển mô hình ở một số địa phương khác. Hiện tại trang trại ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành đang tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương với thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Chúng tôi rất vui vì không những tự chủ làm giàu mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người trong vùng”, anh Tiến tâm sự.

Đại diện Hội Nông dân xã Bàu Cạn, huyện Long Thành cho biết, mô hình trồng chanh lấy lá của anh Tiến và Hiệp được đánh giá là sáng tạo, luôn tìm hướng đi mới. Đây là một trong những gương làm ăn kinh tế kinh tế hiệu quả không chỉ tại xã mà của cả huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai.

Cẩm Trang

© Báo Tin tức - NetBiz