Mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững

22:44 | 31/12/2022 Print
(LG) Dự báo đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần hướng tới mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững.
Thủy sản về đích năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD Việt Nam nằm trong 30 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới: Tự tin hướng đến cột mốc 1.000 tỉ USD năm 2025 [Infographic]: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD

Ngành thủy sản có một năm phục hồi sau đại dịch Covid-19 và phát triển ấn tượng về đích với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 34% so với năm ngoái và hoàn thành sớm mục tiêu đề ra trong năm 2022.

Hiện nay, thế giới đang ngày càng gia tăng việc sử dụng thực phẩm là thủy sản, năm 2021, trị giá thương mại của thủy sản thế giới đạt 164 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với thương mại thịt bò của thế giới, gấp 5 lần so với thịt lợn và 8 lần so với thịt gia súc gia cầm.

70% nguyên liệu chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ sản phẩm thủy sản nuôi trồng với hai mặt hàng lớn nhất là tôm và cá tra. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030.

Trong 10 năm tới, mục tiêu của nuôi trồng thủy sản phải mở rộng bền vững để đáp ứng khoảng cách về nhu cầu thức ăn thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là ở các vùng thiếu lương thực, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập và việc làm mới. Điều này đòi hỏi phải cập nhật quản lý việc nuôi trồng thủy sản bằng cách thúc đẩy cải thiện quy hoạch, khung pháp lý và thể chế và chính sách.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp thuỷ sản (VASEP) chia sẻ tại toạ đàm trao đổi về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam sau 3 năm thực hiện Hiệp định CPTPP. Theo ông Nam, 10 quốc gia là đối tác của Việt Nam trong CPTPP chiếm 25% xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2020-2021 và tăng lên 30% trong năm 2022 trong tổng xuất khẩu gần 11 tỷ USD của ngành. Đây là con số tăng trưởng đáng khích lệ.

Mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững
(Ảnh minh họa: Minh Huệ)

Nhìn vào sâu bên trong nhóm ngành hàng, lợi thế lớn được doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng, trước hết là thuế quan, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam. Trong cấu trúc, 3 thị trường chính là Nhật, Australia, Canada chiếm khoảng 85% thị phần của khối CPTPP.

Trong đó, Nhật Bản là thị trường truyền thống trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Ngoài nhập hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam thuần túy, thị trường Nhật Bản xuất khẩu nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất hoặc gia công xuất khẩu. Các doanh nghiệp tận dụng khai thác hiệu quả hiệp định này để gia tăng xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng như các ngành hàng Việt khác có nội lực xuất khẩu đều phải đối mặt nhiều hơn với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác cùng xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản. VASEP xác định có từ 5-7 quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam.

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có mức độ hội nhập nhất định, thì vấn đề kỹ thuật trên không phải quá lớn. Ngoài ra, trong hiệp định CPTPP, các vấn đề khác tạm gọi là trở ngại liên quan đến kỹ thuật cũng không quá lớn để tạo cản trở cho xuất khẩu thuỷ sản

Cái khó nhất hiện nay của ngành thuỷ sản, theo Phó Tổng thư ký VASEP, ở thời điểm cuối năm chính là tiếp cận vốn. Ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang đối mặt với lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm rất mạnh, bắt đầu từ quý 4 năm 2022 sang quý 1 năm 2023.

Theo đó, ông Nam cho rằng, trong xuất khẩu đặc biệt gắn với nông nghiệp cần được tiếp cận vốn như bình thường, thậm chí nhiều hơn, trong đó có vấn đề về lãi suất phù hợp. Còn như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy vốn và lãi suất đang tạo ra áp lực rất lớn.

Về vấn đề nguyên liệu cũng đang có nhiều khó khăn. Ông Nam khẳng định đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành thuỷ sản mà liên quan đến chuỗi cung ứng. Trong đó “gốc rễ” chính là các chi phí, và chính sách của Nhà nước có thể điều chỉnh vào lúc này là phù hợp. Chẳng hạn như một số chính sách tốt đã được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, không những kịp thời mà cần đủ dài.

Trong lúc doanh nghiệp đang khó khăn trong tiếp cận vốn thì cơ chế, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lại kéo dài và rủi ro cho các doanh nghiệp. Không chỉ ngành thuỷ sản, một số ngành hàng xuất khẩu đang vướng trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Nhưng hiện nay vấn đề cần giải quyết hoặc rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp lại đang rất chậm chễ.

Ngoài ra đơn hàng đang sụt giảm nhiều đã kéo theo một vấn đề của xã hội là giảm việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp không thể chấm dứt hợp đồng với nhân viên vì nguồn lao động rất quan trọng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn phương án giãn việc, bố trí làm luân phiên, cố gắng chi trả lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Cũng theo VASEP, sản xuất xanh là xu hướng tất yếu của ngành thủy sản Việt Nam, mặc dù bắt đầu nhen nhóm từ 10 năm trước nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt. Việc thực hiện mô hình (kỹ thuật) sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh đã được tiến hành, nhưng để nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách cả khách quan lẫn chủ quan.

Thị trường và người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo hướng kinh tế xanh. Nếu đợi sản xuất đi theo khi thị trường đòi hỏi bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm cùng loại.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên thường xuyên rà soát, cập nhật để hiểu rõ các yêu cầu từ thị trường, từ các quy định, luật lệ và từ thực tiễn cạnh tranh liên quan đến các vấn đề sinh thái, từ đó giúp công ty điều chỉnh chiến lược xuất khẩu xanh phù hợp.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz