Gần 290.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023

17:20 | 17/01/2023 Print
(LG) Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 210.830 tỷ đồng trái phiếu, tăng 46% so với năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Quy định mới về điều kiện tái cấp vốn đối với trái phiếu đặc biệt Bộ Tài chính ra công điện khẩn để "cứu" thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 30/12/2022, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng trong tháng 12.

Trong năm 2022, nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành; nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Đáng chú ý, ngay trong tháng 1, sẽ có gần 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Gần 290.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023. (Nguồn: VBMA)

Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) có báo cáo chiến lược thị trường, nhận định: Tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn.

Niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.

Còn trong báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), nhận định rằng: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023. Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Văn Luận

© Báo Tin tức - NetBiz