Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

16:41 | 18/01/2023 Print
(LG) Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông tin, thời gian qua ngành GTVT đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án.
Vận tải hành khách liên tỉnh dịp nghỉ Tết Dương lịch có nhiều chuyển biến Tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông Chú trọng đẩy nhanh xây dựng, đầu tư các công trình hạ tầng giao thông

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác.

Đáng chú ý, việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”. Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ III, đã thông qua 5 dự án. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án;

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Thời gian qua, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ. (Ảnh: Đinh Luyện)

Trong đó, có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 Cảng Hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Bộ GTVT cũng hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 12 dự án thành phần. Điểm nhấn là, tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây.

Công tác điều hành kế hoạch vốn kịp thời, linh hoạt. Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành. Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022 so với bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.

Về nhiệm vụ trọng tâm 2023, Bộ GTVT thông tin, sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 Dự án (gồm: 2 dự án quan trọng quốc gia, 1 dự án nhóm A, 20 dự án nhóm B, C); hoàn thành 29 dự án trong năm 2023 (gồm: 7 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giao đoạn 1, 3 dự án nhóm A, 19 dự án nhóm B, C).

Bộ GTVT cũng phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (được giao khoảng 94.161 tỷ đồng).

Đinh Luyện

© Báo Tin tức - NetBiz