Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm

18:37 | 21/01/2023 Print
(LG) Đi chợ Tết ngày cuối năm từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều gia đình ở Hà Nội. Không chỉ là nét đẹp trong văn hóa truyền thống, chợ Tết còn là nơi để cảm nhận không khí rộn ràng và háo hức của năm mới, xuân về.
Ưu tiên dành nguồn lực cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Chợ hoa phố Hoàng Hoa Thám ngày 30 Tết nhộn nhịp người mua, bán

Chỉ còn ít thời gian nữa là Xuân mới Quý Mão gõ cửa từng gia đình. Thời khắc này, cành đào Nhật Tân, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh… đã xuất hiện đầy đủ trên ban thờ gia tiên của mỗi nhà. Trước khi mọi công tác chuẩn bị cho năm mới hoàn thành, đó là khoảng thời gian mỗi người háo hức chờ đợi, dành thời gian rảo bước trong những phiên chợ.

Đi chợ Tết là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam và chợ ngày Tết cũng mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người. Dù bận đến mấy, mỗi người đều dành thời gian đi chợ Tết, ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ.

Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm
Đi chợ Tết là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam và chợ ngày Tết cũng mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người.

Nhiều người dân Thủ đô vẫn giữ thói quen đi chợ phiên ngày cuối năm, một phần vì quá bận nên thời điểm ấy mới dành được chút thời gian đi sắm Tết. Phiên chợ ấy, không đơn thuần chỉ là nơi giao thương hàng hóa, không chỉ có những “bán - mua” thường ngày, mà nhìn những sạp hàng cuối năm, không khó để nhận ra những dịch chuyển từ kinh tế tới văn hóa của người dân thông từng chi tiết nhỏ. Có những năm kinh tế đi lên, việc bán mua tấp nập, rộn ràng. Có những năm kinh tế kém hơn, những sạp hàng cũng bởi thế mà đìu hiu hơn đôi chút.

Mỗi chợ Tết lại mang một vẻ khác nhau, riêng ở Hà Nội lại độc đáo với những “chợ Tết phố Hàng”- nơi chuyên bán những sản vật đẹp nhất, ngon nhất. Người bán, người mua tất thảy đều vội vã, nét riêng đó được tạo nên bởi người bán, người mua trong niềm vui đón chào một mùa xuân mới.

Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm
Chợ hoa Hàng Lược là nơi mua sắm yêu thích của người dân Thủ đô.

Sáng 30 Tết, chúng tôi dạo bước đến chợ hoa phố Hàng Lược, từng dòng người đi sắm Tết tấp nập đan đặc con phố cổ dài chưa đến 300m. Người người nhộn nhịp ngắm nghía thủy tiên, quất, đào. Chợ hoa Hàng Lược từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô. Chợ họp một lần trong năm, bắt đầu từ ngày 15 đến 30 tháng Chạp, mang đậm không khí Tết của Hà thành.

Năm nay, chợ hoa Tết Hàng Lược không chỉ có hoa mà còn có các hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, các dòng tranh dân gian, nặn tò he… những hoạt động văn hóa - nghệ thuật như hát xẩm, viết chữ thư pháp… diễn ra tại các vòm cầu hai bên cạnh khu vực tranh bích họa phố Phùng Hưng.

Năm nào cũng vậy, cứ sau 23 tháng Chạp là bà Nguyễn Thị Sang (quận Đống Đa) lại đi chợ hoa phố cổ. Bà kể, dù nhà cách chợ khoảng 5km nhưng năm nào bà cũng dành thời gian để đến chợ. 50 năm ở Hà Nội cũng là bằng ấy thời gian bà quen với chợ hoa Hàng Lược hối hả, tấp nập.

Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm
Niềm vui khi chọn được cành đào ưng ý.

“Người Hà Nội có “thú vui” đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Khi chợ bắt đầu họp là ngày nào tôi cũng đi ngắm đến tận hôm 30 tháng Chạp. Đến đây, tôi được thoả thích ngắm hoa hoặc cảm nhận một nét văn hóa Tết đặc sắc ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Sự tươi tắn của những bông hoa như niềm tin vọng vào một năm mới vui vẻ và thêm thành công mới”, bà Sang nói.

Hoa không thể thiếu trong ngày Tết còn cỗ bàn lại vô cùng quan trọng. “Không có thịt gà không ra mâm cỗ”, để có được gà ngon, nhiều người dân Hà Nội lựa chọn chợ phố Hàng Bè.

Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm
Chợ Hàng Bè xưa nay nổi tiếng tại Hà Nội với những món ăn được sơ chế, chế biến sẵn.

Chợ Hàng Bè xưa nay nổi tiếng tại Hà Nội với những món ăn mang "chất riêng" của ẩm thực Hà Nội. Tuy nằm giữa phố cổ nhưng tại đây hoạt động mua bán, kinh doanh được ví von như một phiên chợ quê chính hiệu. Thực chất, chợ Hàng Bè chỉ là tên gọi quen thuộc của người dân bởi tại đây chẳng có phiên chợ nào được diễn ra, xung quanh các phố Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè là những cửa hàng, tiệm kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.

Chợ Hàng Bè có nét duyên riêng. Đặc điểm nổi bật tại chợ Hàng Bè chuyên cung cấp các loại đồ ăn sẵn như: Cá kho trứ danh, thịt kho, gà hầm, gà luộc, xôi gấc, giò chả, bánh chưng.... Khu chợ cũng nức tiếng với đồ khô, gia vị, đồ ăn ngon, phản ánh phần nào cuộc sống sung túc, chuộng chất lượng hơn số lượng, chuộng sự bắt mắt đi đôi với hương vị. Từ hoa quả, rau củ tới thực phẩm, tất cả đều phải tươi.

Nổi tiếng nhất tại khu chợ này là gà luộc ngậm hoa hồng để dâng lên ban thờ gia tiên vào đêm giao thừa. Các chủ tiệm cho hay để phục vụ thực khách, họ phải dậy chuẩn bị hàng từ 2h-3h sáng và kết thúc lúc tối muộn với mong muốn đáp ứng mọi nhu cầu Tết của khách hàng. Chị Hoa (tiểu thương ở chợ Hàng Bè) cho biết, những cửa hàng đồ ăn sẵn ở chợ Hàng Bè đã thuộc dạng có tiếng. Chính vì vậy, mua bán ở đây rất khác so với những chợ ngoài kia. Đặc biệt, khách quen đi chợ Hàng Bè chỉ cần 10 - 15 phút ngồi xe máy lướt nhanh qua chợ là đã có đủ một mâm cúng ngày lễ Tết.

Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm
Bồi hồi những phiên chợ ngày cuối năm
Người Hà Nội tấp nập mua sắm chuẩn bị cho mâm cúng cuối năm.

"Chợ Tết khác hẳn những phiên chợ thường ngày. Ở đây có điều gì đó rộn ràng, dù gió bấc lùa trên vai lạnh giá nhưng ánh mắt nhìn vào những mặt hàng sặc sỡ sắc màu khiến tôi cảm thấy Tết thật an bình", chị Trần Thị An nói khi chọn xôi ngũ sắc cho mâm cơm tất niên.

Ngày cuối cùng của năm, chợ Tết càng về chiều cũng là lúc người thưa dần, nhưng khuôn mặt ai cũng tươi tắn. Dù công nghệ số phát triển, mua hàng chỉ cần 1 click chuột nhưng không vì thế mà các phiên chợ Tết kém nhộn nhịp. Tiếng cười nói rộn rã chứa đựng niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn khi xuân về...

Phương Ngân

© Báo Tin tức - NetBiz