Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội):

Đồng bộ các nhóm giải pháp về chuyển đổi số

22:56 | 22/01/2023 Print
(LG) Từ lưu trữ văn bản thủ công, Internet chập chờn, năng lực công nghệ thông tin (CNTT) của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa tốt…, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để giải quyết vấn đề chuyển đổi số.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục

Đẩy mạnh đầu tưo

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, trước yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quận Ba Đình đã hướng mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành GD&ĐT. Con số ước tính khoảng 60% ngân sách đầu tư công. Trong đó, ngành tập trung phát triển CNTT để thực hiện chuyển đổi số.

Theo kế hoạch, Hà Nội có 100% giáo viên đạt chuẩn đến hết năm 2026 thì Ba Đình đặt mục tiêu hoàn thành 3% số giáo viên cuối cùng đào tạo đạt chuẩn trong năm 2025. Một trong các giải pháp là đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực CNTT cho đội ngũ này nhằm lan tỏa và thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành để sớm “đem lại những giá trị thực chất”.

Khai thác màn hình LED sân trường hiệu quả tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình)
Khai thác màn hình LED sân trường hiệu quả tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Ba Đình)

“Từ thực tiễn công tác quản lý giáo dục tại cơ sở, các nhà trường nhận thấy những khó khăn, bất cập từ đó đề ra biện pháp giải quyết, trong đó CNTT là trợ thủ đắc lực bởi ưu điểm tiết kiệm chi phí, có thể ứng dụng trong hầu hết nhiệm vụ…”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình bày tỏ và khẳng định tiếp tục giao quyền chủ động cho nhà trường nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.

Giai đoạn 2022-2023, ngành GD&ĐT quận Ba Đình xác định hai nội dung là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường truyền thông giáo dục. Ngành tập trung 3 nội dung: Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT; nâng cấp hệ thống phần mềm và bồi dưỡng nâng cao đội ngũ quản trị phần mềm; chú trọng chuyển đổi số trong quản lý và dạy học - kiểm tra đánh giá.

Phòng GD&ĐT Ba Đình cũng tham mưu, đề xuất và được Ủy ban nhân dân quận chấp thuận, đồng ý về nguyên tắc trang bị bổ sung thiết bị, máy tính và cơ sở vật chất liên quan đến hạ tầng CNTT đối với dự án đầu tư xây dựng trường học theo 3 nhóm. Cụ thể, thứ nhất là ưu tiên thực hiện trước đối với trường đã cải tạo, sửa chữa, xây dựng xong. Thứ hai là bổ sung kinh phí mua sắm máy tính và nâng cấp hạ tầng CNTT cho trường học đang thực hiện đầu tư. Thứ ba là rà soát, đề xuất kinh phí mua sắm máy tính và nâng cấp hạ tầng CNTT vào nhóm dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Tạo đà bứt phá

Ba Đình đã giao quyền chủ động cho nhà trường nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.

Phòng GD&ĐT đóng vai trò chỉ đạo và hướng dẫn các trường thực hiện đúng quy định. Mô hình nào hiệu quả, dễ làm, tiết kiệm thì nghiệm thu và nhân rộng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm…

Nhờ đầu tư có trọng tâm, ngành GD&ĐT Ba Đình đã triển khai thành công mô hình trường học trực tuyến cho 100% đơn vị trên địa bàn, trong đó nền tảng Google Classroom đạt 90% và 10% là các nền tảng khác. 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành được trang bị những kỹ năng cơ bản để tổ chức dạy học trực tuyến trên nền tảng CNTT. Các thầy cô giáo đã tổ chức quản lý, giảng dạy các lớp học trực tuyến, trực tiếp và kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến bài bản và hiệu quả.

Ngoài ra, để hỗ trợ thêm, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều được trang cấp tài khoản thư điện tử định danh tên miền @badinhedu.vn với bộ nhớ không giới hạn, đồng bộ liên thông tới hệ sinh thái và không gian làm việc của Google. Hệ thống cài đặt có sẵn các tiện ích dành cho giáo dục như bộ nhớ dùng chung, quản lý danh bạ, lớp học Google, tài liệu trực tuyến, trang tính trực tuyến, biểu mẫu trực tuyến…

Việc xác định chính xác mức độ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành và đội ngũ qua từng con số, chỉ tiêu cụ thể là điều kiện tiên quyết. Tiếp sau là đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, khoa học, phù hợp; nội dung tập huấn phù hợp thực tế. Cuối cùng là lựa chọn nền tảng CNTT “phục vụ con người”, trọng tâm hướng tới học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo.

T.P

© Báo Tin tức - NetBiz