Du lịch Việt - Một năm nhìn lại những dấu ấn nổi bật

18:21 | 24/01/2023 Print
(LG) Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự phục hồi hoạt động du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3 và cũng đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của toàn ngành để thúc đẩy hoạt động du lịch.
Du lịch Việt khởi sắc dịp đầu năm 2023 Du lịch Việt trở lại ấn tượng, tìm kiếm những đột phá Dấu ấn du lịch Việt Nam 2022

Sự phục hồi ấn tượng

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: Không yêu cầu tiêm phòng vắc-xin; Không yêu cầu cách ly y tế; Không yêu cầu xét nghiệm Covid-19; Không yêu cầu khai báo y tế trước khi nhập cảnh. Các chính sách về thị thực được khôi phục như khi chưa có dịch Covid-19, các đường bay trong nước và quốc tế từng bước hoạt động trở lại, các lĩnh vực thương mại, vận tải, dịch vụ sôi động trở lại…

Ngay sau khi du lịch được mở lại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch với thông điệp “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) nhằm thu hút, mời chào khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam và triển khai chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” dành cho khách du lịch nội địa. Đồng thời, hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC… Phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cung cấp các thông tin về mở cửa du lịch và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Du lịch Việt - Một năm nhìn lại những dấu ấn nổi bật
Du lịch Việt đã có một năm phục hồi ấn tượng.

Ngành du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2022 tại Hà Nội và Đà Nẵng, Hội chợ du lịch quốc tế ITE - HCMC 2022 tại thành phố Hồ Chí Minh và tham gia các hội chợ du lịch lớn trên thế giới. Đặc biệt, với việc tham gia Hội chợ du lịch thế giới WTM London 2022, du lịch Việt Nam khẳng định mạnh mẽ thông điệp mở cửa thông thoáng và hội nhập với thị trường du lịch toàn cầu.

Cùng với đó là tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch, văn hóa Việt Nam ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc); tổ chức các đoàn FAM quốc tế khảo sát, quảng bá du lịch Việt Nam. Tăng cường truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam qua hoạt động, sự kiện lớn ở trong nước như Năm Du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam, SEAGames 31...

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đề xuất Chính phủ triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch trên toàn quốc đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới. Qua đó, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch để thu hút khách du lịch.

Kết quả năm 2022 du lịch Việt Nam đã đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt trên 70% so với kế hoạch năm; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19; tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch.

Nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng như: Hà Nội ước đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh thống kê khách du lịch ước đạt 28,5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch năm 2022 ước đạt 120.000 tỉ đồng tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021. Quảng Nam ước đón 4,7 triệu lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu du lịch năm 2022 ước đạt 3.780 tỷ đồng, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lâm Đồng ước đạt 7 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hà Giang ước đạt 2,2 triệu lượt khách, đạt 242% so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng. Bình Thuận ước đón khoảng 4,5 triệu lượt khách tăng 2,58 lần so với năm 2021, tổng thu du lịch khoảng 10 nghìn tỷ đồng tăng 2,6 lần so với năm 2021…

Trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn, nhu cầu du lịch phục hồi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp quay lại thị trường. Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành, số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ, cũng như có thêm nhiều khách sạn cao cấp 4-5 sao được đưa vào hoạt động đã cho thấy thị trường du lịch đang rất tích cực với những cơ hội kinh doanh mới được mở ra.

Thành công của Việt Nam trong nỗ lực tái thiết hoạt động ngành du lịch đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thông qua các chỉ số và giải thưởng du lịch. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố chỉ số Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52 trong số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số 3 quốc gia có mức tăng điểm cao nhất thế giới. Việt Nam đạt nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á… Tổng cục Du lịch được tiếp tục vinh danh là cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

Những thành tựu này là kết quả của chủ trương đúng đắn mở cửa du lịch kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và sự đồng lòng hưởng ứng của các địa phương, các bộ ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp du lịch, người dân cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2023.

Năm sôi động của du lịch Việt Nam

Sang năm 2023, các chuyên gia du lịch trên thế giới đã dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế này.

Du lịch Việt - Một năm nhìn lại những dấu ấn nổi bật
Năm 2023 được dự đoán là năm sôi động của du lịch Việt Nam.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong năm 2023 công tác xúc tiến quảng bá du lịch sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm như tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, hội chợ quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)… truyền thông, quảng bá trên các kênh truyền thông lớn… Ngoài ra, năm 2023, Tổng cục Du lịch cũng phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Dựa trên kinh nghiệm thực tế thời gian mở cửa đón khách du lịch quốc tế thời gian qua cùng những kinh nghiệm quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam xác định áp dụng mạnh mẽ hơn các nhóm biện pháp chính sau đây nhằm đạt được mục tiêu năm 2023.

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách visa nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Thứ hai, tăng cường năng lực vận tải hàng không thông qua việc khai thác thêm các đường bay mới, khôi phục đường bay đã có, tăng tần suất chuyến bay tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không.

Thứ ba, tăng cường chương trình hợp tác nhằm đào tạo nguồn nhân lực quản lý du lịch để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng.

Thứ tư, tập trung đầu tư cho điểm đến du lịch để đáp ứng mục tiêu mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch đặc trưng. Ở đó, chúng tôi luôn nhấn mạnh tới yếu tố liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không tạo các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm du lịch phù hợp thị trường, đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau Covid-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc.

Thứ năm, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch: Tập trung củng cố chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch như tại thời điểm trước đại dịch, bảo đảm năng lực đón tiếp phục vụ du khách của các doanh nghiệp du lịch. Đầu tư điểm đến bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ…với mục tiêu làm sao mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn. Phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan như giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, thương mại dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hàng hóa đáp ứng nhu cầu về vận chuyển, mua sắm, giải trí…của du khách.

Phương Bùi

© Báo Tin tức - NetBiz