Người cựu chiến binh làm giàu trên mảnh đất quê hương

14:58 | 26/01/2023 Print
(LG) Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, người cựu chiến binh Đoàn Huy Bé (xã Nam Phong, thành phố Nam Định) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để chăn nuôi giỏi, trồng trọt tốt, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Người phụ nữ đánh thức tiềm năng vùng đất khó Tạo phong trào làm kinh tế và làm giàu của thanh niên trên mảnh đất quê hương Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai
Người cựu chiến binh làm giàu trên mảnh đất quê hương
Ông Đoàn Huy Bé tự tay chăm sóc những cây quất cảnh trong vườn.

Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đoàn Huy Bé đã tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, năm 1976, ông được xuất ngũ và hưởng chế độ thương binh.

Ngay khi vừa xuất ngũ, ông bé đã nung nấu ý định và bắt tay khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi trên chính mảnh đất quê hương. Chứng kiến một số người dân địa phương nhờ trồng quất cảnh mà có tiền xây nhà cửa khang trang, năm 1990, ông Bé quyết định chọn hướng làm kinh tế gia đình là trồng quất cảnh. Từ đó đến nay, trải qua biết bao gian khó, vất vả nhưng ông vẫn kiên trì đi theo con đường mình đã chọn và đã gặt hái được những thành công nhất định.

Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp với nghề trồng quất cảnh, ông Bé kể: “Hồi đó, kinh tế gia đình khó khăn, còn phải chạy ăn từng bữa. Nhưng may mắn là tôi gặp một thương lái ở tỉnh bên do không bán được quất nên đã để lại cho tôi và nói là khi nào bán được cây mới lấy tiền. Vậy là vụ đầu tiên, tôi trồng 200 cây quất cảnh, số lượng lớn nhất nhì trong xã thời bấy giờ”.

Người cựu chiến binh làm giàu trên mảnh đất quê hương
Nhà vườn của gia đình ông Bé tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương với mức thu nhập từ 200.000 đồng - 600.000 đồng/người/ngày.

Theo lời ông Bé, do đất trong vườn nhà ông là đất cát pha không trồng được quất nên ông dùng xe thồ xuống các khu ruộng của gia đình đào đất thịt mang đổ về vườn. Không phụ công sớm hôm chăm bón, vụ quất Tết đầu tiên, ông thắng lớn. Các vụ quất tiếp theo, ông đều thắng và thu được số tiền lãi mà nhiều người trồng quất mơ ước.

Sau mấy vụ mùa thành công, dù đã có kinh tế dư dả nhưng ông Bé không vội đầu tư xây dựng, sửa sang nhà cửa mà dành để mua thêm ruộng và các giống cây cảnh như: Hải đường, sanh, si, tùng la hán… về trồng. Đối với việc gieo trồng, chăm sóc các loại cây này đòi hỏi rất nhiều công sức và kỹ thuật chăm bón vì vậy ông Bé đã chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng và chăm sóc cây. Riêng hạt giống, cây giống cũng ông được chọn mua từ các trung tâm giống cây trồng uy tín. Không những học cách gieo trồng, nhân giống cây, để trồng các loại cây cảnh, ông Bé còn tìm đến nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh học cách uốn, tạo thế cho cây.

Sau nhiều năm miệt mài bám ruộng đồng trồng cây cảnh, quất cảnh, đến nay, gia đình ông Bé có diện tích vườn gần 4ha, dùng để trồng quất, trồng cây cảnh lâu năm, có vườn ông trồng xen canh cả quất và sanh, si… Trong vườn nhà ông không thiếu những cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, nhà vườn của ông bán ra thị trường hàng nghìn cây cảnh các loại, đặc biệt quất cảnh với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Nhà vườn của gia đình ông Bé tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương với mức thu nhập từ 200.000 đồng - 600.000 đồng/người/ngày.

Người cựu chiến binh làm giàu trên mảnh đất quê hương
Vườn quất cảnh của gia đình ông Đoàn Huy Bé.

Thành công là thế nhưng ít ai biết con đường ông Bé đi có không ít chông gai, ông Bé chia sẻ: “Những năm đầu khởi nghiệp, ngoài khó khăn về vốn tôi còn gặp khó khăn về kỹ thuật do chưa am hiểu hết đặc tính của các loại cây khác nhau. Đã có lúc tôi còn tính đến chuyện bán nhà để trả tiền quất. Đó là năm 1997, thời tiết không thuận lợi, mưa to, bão lớn làm ngập lụt hết cả ruộng quất. Đêm nằm trong nhà tôi nghe mưa tiếng mưa xối xả mà vừa buồn vừa lo sẽ mất trắng vụ mùa. Sáng sớm tôi ra thăm vườn, thấy nước ngập hơn nửa cây quất. Trong làng, ngoài sông đều ngập, không có chỗ cho nước thoát. Với đà này, sau một, hai ngày ngâm nước, rễ cây sẽ thối hết. Lúc đó tôi nghĩ nếu không cứu được vườn có khi tôi phải bán nhà trả nợ quất”.

Khó khăn là thế nhưng với sự nhanh nhạy và bản lĩnh của người “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Bé đã nhanh chóng nghĩa ra cách mua túi nilong loại dày để làm thành tường rào rồi thuê máy bơm hút nước và bùn nhão ra khỏi vườn. Bơm suốt mấy tiếng đồng hồ, nước trong vườn hạ thấp dần, cả vườn quất đã được “cứu”. Và năm đó, gia đình ông lại có một vụ mùa thắng lợi.

Là một trong những hộ đầu tiên của xã Nam Phong trồng quất cảnh và thành công ngay từ những vụ đầu, đến nay, đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, chưa khi nào ông Bé hết niềm đam mê với cây cảnh, quất cảnh. Ông không chỉ truyền nghề để con cái nối nghiệp mà còn tạo cảm hứng để người dân trong xã cùng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Mạnh Quân

© Báo Tin tức - NetBiz