Làm giàu từ những món quà quê

18:20 | 26/01/2023 Print
(LG) Với mong muốn đưa đặc sản quê hương đến người tiêu dùng, nhiều người đã gắn bó, kinh doanh và làm giàu từ chính những món quà quê dân dã.
Người phụ nữ đánh thức tiềm năng vùng đất khó Tạo phong trào làm kinh tế và làm giàu của thanh niên trên mảnh đất quê hương Làm giàu từ trang trại trồng chanh lấy lá ở Đồng Nai

Nhịp sống ồn ào náo nhiệt gần như vội vã của thành phố công nghiệp đã và đang trôi qua trong ta từng thời khắc. Trong cái ồn ào vội vã ấy thi thoảng gợi lên trong ta những thức quà từ xưa cũ. Với mong muốn quảng bá đặc sản quê hương, nhiều người đã nảy ra ý tưởng kinh doanh và thành công từ những món quà quê nức tiếng.

Trong đó phải kể đến món chè kho. Chè kho là thức quà quê dân dã gắn với địa danh xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) hàng trăm năm nay. Đây là món ăn được chế biến từ đỗ xanh và đường kính. Vào những dịp lễ, Tết, cưới hỏi… người dân Đại Đồng thường nấu chè kho để thưởng thức và thết đãi khách. Chính vì thế mà ở Đại Đồng, hầu như nhà nào cũng biết làm chè kho.

Làm giàu từ những món quà quê
Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nghề làm chè kho ở xã Đại Đồng đã được nâng cao cả năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng được yêu cầu của những đơn hàng lớn. (Ảnh: K.Tiến).

Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, một số hộ dân ở Đại Đồng còn làm chè kho để bán. Tuy nhiên, do làm thủ công và sản phẩm không có chất bảo quản nên số lượng hàng bán ra nhỏ, thường chỉ làm theo đơn đặt hàng. Gần đây, để nâng cao năng suất và đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân Đại Đồng đã đầu tư máy móc vào hỗ trợ sản xuất theo quy mô lớn như máy đánh đậu, nồi hấp, máy hút chân không…

Được biết, cho đến nay, nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm đã tăng gấp nhiều lần. Trước kia làm thủ công 3 tiếng mới cho ra được khoảng 15 cân chè. Nhưng nay nhờ áp dụng máy móc, một gia đình có thể làm vài tạ sản phẩm mỗi ngày.

Nhờ vậy, giá thành sản phẩm cũng giảm hơn nhiều, nếu trước kia là 90.000 đồng/kg thì nay, giá sản phẩm giảm xuống chỉ còn 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, người dân còn dùng máy hút chân không để bảo quản sản phẩm, do đó chè kho có thể bảo quản 15 ngày trong ngăn tủ mát.

Hiện, toàn xã Đại Đồng có gần 40 hộ chuyên làm chè kho. Nhờ làm chè kho mà nhiều hộ dân ở Đại Đồng giàu lên trông thấy. Năm 2018, sản phẩm chè kho Đại Đồng đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Ngoài tiêu thụ trong nước, chè kho Đại Đồng còn được nhiều khách hàng đặt để chuyển sang nước ngoài. Giờ đây, chè kho không chỉ còn là món quà quê mà còn là sản phẩm hàng hóa giúp người dân Đại Đồng làm giàu.

Bà Vũ Thị Quý - người có kinh nghiệm làm chè kho gần 40 năm nay ở thôn Lươn Ngoài, xã Đại Đồng cho biết, nhiều năm nay, nghề làm chè kho đã giúp bà cũng như gia đình có đời sống kinh tế khá giả hơn.

“Từ một món ăn dân dã của quê hương, đến nay, thương hiệu Chè kho Đại Đồng đã được nhiều người biết đến. Thậm chí, thời điểm cận Tết là bận rộn nhất, làm cả ngày cũng không kịp giao hàng đủ cho khách”, bà Quý cho biết.

Tương tự, cũng tại huyện Thạch Thất, làm bánh chè lam cũng đã trở thành nghề nuôi sống nhiều hộ gia đình, đặc biệt là tại thôn Thạch (xã Thạch Xá). Bánh chè lam dung dị vì chính từ cách làm, cách chế biến những nguyên liệu thân thuộc từ ruộng đồng quê hương của người dân nơi đây đã làm nên một thức quà quê riêng biệt.

Chè lam là món quà quê được người dân làng Thạch sản xuất quanh năm, nhưng có lẽ sôi động nhất là vào dịp các tháng trước và sau Tết Nguyên đán - khoảng thời gian phục vụ cho thị trường Tết và lễ hội. Có lẽ vì thế mà năm 2004, làng nghề chè lam Thạch Xá đã được công nhận là làng nghề truyền thống.

Hiện hội làng nghề chè lam làng Thạch có khoảng 70 hội viên, mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng hơn 200 tấn chè lam, đạt doanh thu khoảng hơn 6 tỷ đồng/năm. Chè lam không chỉ được bán ở đất Hà thành mà nó còn được xuất đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là một số tỉnh thành có các đền chùa nổi tiếng như: chùa Ba Vàng, Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Tam Chúc (Hà Nam), Đền Hùng (Phú Thọ)…

Về làng làng nghề Thạch Xá vào bất kỳ mùa nào trong năm, ghé thăm những gia đình còn duy trì nghề làm chè lam truyền thống sẽ bắt gặp ngay mùi hương thơm nức của gạo nếp mới, gừng, mạch nha, đậu phộng rang.

Bên những bếp lửa đỏ than, những mẻ chè lam thoăn thoắt được ra lò qua đôi bàn tay dẻo dai, khéo léo của các bà, các mẹ, các chị. Từ những những nguyên liệu đơn giản, gắn bó với cuộc sống nông nghiệp thuần túy ấy nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên một thức quà quê ăn vào sẽ nhớ mãi khi nó chứa đựng biết bao nhiêu tinh túy trong đó.

K.Tiến

© Báo Tin tức - NetBiz