Năm 2023 cần giải quyết kịp thời và dứt điểm vấn đề thị trường vốn

11:16 | 02/02/2023 Print
(LG) Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thách thức trong năm 2023 là giải quyết kịp thời và dứt điểm vấn đề được phát hiện trên thị trường vốn và đang là lực cản của nền kinh tế.
Áp lực trên thị trường vốn dự báo sẽ giảm dần trong năm 2023 Nới zoom tín dụng liệu có giúp thị trường vốn đỡ "khát"?

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn luôn mong chờ câu trả lời cho các câu hỏi: Sau nhiều năm, vấn đề của thị trường vốn đang được giải quyết đến đâu, khả năng bao giờ được giải quyết và giải quyết đến mức độ nào, quyền lợi và nghĩa vụ các bên có xu hướng được bảo vệ theo cách thức nào?.

Nguyên tắc để giải quyết các vấn đề trên là tôn trọng thị trường để phân bổ nguồn lực dựa trên sự minh bạch và các giải pháp chính sách được ban hành cần phải tiên liệu trước tạo cơ sở để doanh nghiệp chủ động có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Có thể khẳng định, tăng trưởng của nền kinh tế năm có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhưng năm 2023, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn. Năm 2023 được các chuyên gia kinh tế nhận định là năm khó khăn cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam do tác động của suy giảm kinh tế thế giới.

Năm 2023 cần giải quyết kịp thời và dứt điểm vấn đề thị trường vốn
Tăng trưởng của nền kinh tế năm 2022 có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: BT)

Tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, có 2 chỉ số cần quan tâm với nền kinh tế Việt Nam năm 2023 là lạm phát, giải ngân vốn đầu tư và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, năm 2023 có 120 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cần phải xử lý, năm 2024 con số này khoảng 110 nghìn tỷ.

Theo số liệu điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê, quý 3 năm 2022 có 23,5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng lãi suất cao không vay được nhưng sang đến quý 4 đã tăng lên hơn 37%.

Ngoài ra, trong quý 3 có 30,8% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về tài chính nhưng sang quý 4 đã tăng lên 33,4%. Về tổng cầu quốc tế, quý 3 có 26,7% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn nhưng sang quý 4 đã tăng 32,6%. Số lượng doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa kinh doanh năm 2022 khoảng 34%, cao hơn so với năm 2018 - 2019.

Cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, chiếm 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có nhiều khả năng huy động vốn. Năm 2022, việc huy động vốn của cả những doanh nghiệp lớn và tập đoàn, cũng không dễ dàng gì do ảnh hưởng của thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Hiện nay, Chính phủ đã và đang có giải pháp xử lý kịp thời nhằm khôi phục lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông cũng cho rằng, ách tắc trong thị trường trái phiếu là biến cố của nền kinh tế, nếu không xử lý tốt, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, bao gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kênh vốn hỗ trợ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là bằng chính sách tài khoá và tiền tệ của Chính phủ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, chính sách giảm thuế 2% cho doanh nghiệp, giãn và hoãn thuế trong Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế của Chính phủ trong năm 2022-2023 rất hay và thiết thực cho doanh nghiệp. “Tôi kiến nghị trong năm 2023, để phát huy độc lập tự chủ và tạo động lực cho sự phát triển, chúng ta phải có chính sách về vốn đối với doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh nhu cầu trong nước. Trên cơ sở đó, khi suy giảm xuất khẩu từ bên ngoài chúng ta có thị trường trong nước phát triển”, ông Lâm đề xuất.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao chính sách tiền tệ ứng phó với lạm phát của Việt Nam nhưng cùng thời điểm này lại có những vấn đề xảy ra với thị trường vốn cho doanh nghiệp. Vì vậy, dù chính sách tiền tệ đi đúng hướng nhưng lòng tin của nhà đầu tư bị suy giảm do thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp tác động. Quan trọng nhất của thị trường vốn là giải pháp để ngăn chặn và hạn chế suy giảm lòng tin.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz