Hà Nội đặt mục tiêu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt hơn 73%

16:05 | 10/02/2023 Print
(LG) Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố năm 2023.
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động Người lao động sẽ mất ngay 4 khoản tiền lớn nếu rút bảo hiểm xã hội một lần Nhiều thay đổi quan trọng về hưởng chính sách bảo hiểm xã hội

Một trong những chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch là Thành phố phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2% trong năm 2023.

Để đạt được mục tiêu nói trên, Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.

Hà Nội đặt mục tiêu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt hơn 73%
Trình diễn nghề chăm sóc sắc đẹp tại Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022. (Ảnh minh họa: P.D)

Trong đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tiếp tục thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề.

Cùng với đó, Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; triển khai thực hiện đầu tư trường chất lượng cao, nghề trọng điểm đối với 4 trường cao đẳng công lập thuộc Thành phố (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội; Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội) để trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với 16 trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, lựa chọn.

Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng mới, chỉnh sửa và cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo, trọng tâm là các ngành nghề khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong đó ưu tiên các ngành công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao và chuyển đổi số.

Thành phố cũng sẽ quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, gắn chất lượng đào tạo nghề với ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; đào tạo gắn với chương trình phát kinh tế xã hội của Thành phố và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động.

Thành phố sẽ thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố.

Trong năm 2022, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nội đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; nghề kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...

Việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề được Thành phố chỉ đạo quyết liệt. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03 điểm % so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phạm Diệp

© Báo Tin tức - NetBiz