Ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm

13:46 | 19/02/2023 Print
(LG) Năm 2022, tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3%), cũng là năm đầu tiên cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm.
Sách nói - Nhiều tiềm năng để phát triển Sách nói Voiz FM và tham vọng dẫn đầu xu thế chuyển đổi số trong ngành xuất bản

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) năm 2022 được đánh giá là năm tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, dẫn đến nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong. Mặc dù vậy, nhìn chung các nhà xuất bản đã nỗ lực giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, biến thách thức thành động lực để triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng.

Ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm trao Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực xuất bản.

Tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng. Lần đầu tiên, ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác).

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với 598.938.423 bản (tăng 49,5%). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.994,09 tỷ đồng (33,3%); Nộp ngân sách 414,842 tỷ đồng (59,1%).

Nội dung, chất lượng xuất bản phẩm được nâng lên. Số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị xử lý đã giảm 16,7% so với năm 2021 và chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số xuất bản phẩm được xuất bản.

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021) góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần.

Những nỗ lực này của những nhà xuất bản này đã tạo thành điểm nhấn cho ngành Xuất bản thời gian vừa qua, thể hiện ở sự tăng trưởng ngoạn mục của sách nói, audibook, tạo đà cho văn hóa đọc phát triển tương đối mạnh mẽ.

Ở lĩnh vực phát hành, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành tính thời điểm hiện nay, cả nước có 2.050 cơ sở phát hành sách (tăng 1,23%).

Trong năm 2022, toàn ngành phát hành trên 519.000.000 xuất bản phẩm (tăng 33%); doanh thu đạt khoảng 4.500 tỷ đồng (tăng 28,7%) so với năm 2021.

Số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu toàn ngành đạt 300.000 bản (tăng 12,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 16,1 triệu bản (tương đương với năm 2021). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm đạt 17,5 triệu USD (tăng 10%) trong đó, kim ngạch xuất khẩu 1,5 triệu USD (tăng 15,4%); kim ngạch nhập khẩu đạt 16 triệu USD (tăng 16,8%).

Chia sẻ về định hướng trong năm 2023, ông Nguyễn Nguyên Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành cho biết, trong năm nay, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức mới đòi hỏi toàn ngành cần phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa nhằm phát huy kết quả đã đạt được năm 2022. Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa ngành xuất bản vững bước, phát triển trong giai đoạn tới.

N.Hoa

© Báo Tin tức - NetBiz