Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2023

13:54 | 28/02/2023 Print
(LG) Sau Hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đang mong ngóng những chính sách giúp thị trường này khởi sắc. Các chuyên gia kinh tế nhận định bất động sản sẽ nhận được "luồng gió ấm" vào nửa cuối năm.
Loạt giải pháp được đưa ra nhằm “phá băng” thị trường bất động sản Hàng loạt giải pháp cứu bất động sản được đề xuất Chủ đầu tư bất động sản có thể phải giảm giá sản phẩm trên diện rộng trong 2023

Tại Tọa đàm "Điểm sáng về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng chưa bao giờ cụm từ "hỗ trợ", "giải cứu thị trường bất động sản" xuất hiện nhiều như hiện nay. Nó cho thấy sự bất thường của thị trường bất động sản có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế.

Theo ông Cấn Văn Lực, gần đây, cả cơ quan quản lý, giới nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp nhìn nhận thị trường bất động sản có vai trò quan trọng, tác động đến nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô. Để tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực này, chuyên gia này cho rằng cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế và tiếp cận đa chiều và đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn.

Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải toả, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường. Sau hàng loạt cuộc họp của Chính phủ thì các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2023
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2023. (Ảnh minh họa: BT)

Về vốn cho thị trường bất động sản, vị chuyên gia này cho rằng, nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư bất động sản. Còn về vốn tín dụng, ông Cấn Văn Lực đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Vấn đề của bất động sản là tắc ở trái phiếu doanh nghiệp.

Về dòng vốn M&A (sáp nhập, mua lại), ông Cấn Văn Lực cho rằng đây là dòng vốn rất quan trọng với thị trường bất động sản. Hiện có nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A. Đây là phương án khả thi, nếu doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng hỗ trợ 30%.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vướng mắc ở đất khu công nghiệp, tiền thuê đất, thuế,... Vai trò của địa phương vô cùng quan trọng, nhưng hiện tại nhiều địa phương còn e ngại làm sai, làm chưa đúng nên chưa vào cuộc quyết liệt.

Ông Cấn Văn Lực cũng khẳng định các chính sách của Chính phủ về tín dụng, về tài khóa, về giãn, hoãn thuế, về cơ cấu nợ, về chấn chỉnh thị trường trái phiếu vừa qua đã cho thấy Chính phủ đã có những hành động cụ thể, tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, tạo động lực cho thị trường bất động sản. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhìn nhận thẳng thắn những gì đã làm được, những gì chưa làm được để rút kinh nghiệm.

Trong báo cáo về ngành bất động sản cập nhật ngày 23/2, các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định, Chính phủ đang tích cực tìm hướng ra cho ngành bất động sản. MAS kỳ vọng Nghị định 65 về trái phiếu sẽ được sửa đổi sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp từ quý 3/2023.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65, với nhiều đề xuất như lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm lại 1 năm, thay vì áp dụng ngay như hiện nay; đề xuất cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn nhưng không quá 2 năm so với kỳ hạn công bố ban đầu…

Theo MAS, nhà ở xã hội được chú trọng trong tương lai cũng là một trong những điểm sáng để phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây hơn 1 triệu nhà ở xã hội từ nay đến 2030 và đề xuất gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng cho các dự án này.

Ngoài ra, nhiều chủ trương khuyến khích người có thu nhập thấp như hỗ trợ 2% lãi suất cho nhà dưới 2 tỷ trở xuống, sửa đổi Luật Nhà ở theo đó thắt chặt quy định giao dịch thứ cấp nhà ở xã hội, đồng thời quy định địa phương phải bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội khi lập quy hoạch. Bên cạnh đó, các khâu đấu thầu, đấu giá đất, thủ tục xác định giá bán cho người thu nhập thấp cũng đang được cải tổ để nhanh gọn hơn.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz