Đề xuất người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất kinh doanh

07:07 | 05/03/2023 Print
(LG) Bộ Công an đề xuất, người chấp hành xong án phạt tù được cho vay tối đa 100 triệu đồng/cá nhân để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh. Còn cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người mãn hạn tù được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Những dự án đầy đủ pháp lý đều được vay vốn Đà Nẵng: Đề nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất Phụ nữ quận Tây Hồ hỗ trợ hội viên vay vốn, phát triển kinh tế

Ngày 4/3, Bộ Công an vừa chủ trì hoàn thành xây dựng dự thảo lần 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong 2 tháng.

Dự thảo quyết định trên quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, dự thảo đề xuất đối tượng vay vốn là người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng đáp ứng các điều kiện: Chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, có nhu cầu vay vốn, do Công an cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù đến khi vay vốn tối đa là 5 năm.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các yêu cầu: thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có sử dụng đối tượng lao động là người chấp hành xong án phạt tù và có ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án xác nhận thì sẽ được vay vốn.

Về mức vay, dự thảo đề xuất đối với mục đích vay vốn để đào tạo nghề, mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay để sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, người chấp hành xong án phạt tù được cho vay tối đa 100 triệu đồng/cá nhân.

Riêng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù được tạo việc làm.

Ngoài các nội dung trên, dự thảo đề xuất lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Còn lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Về phương thức cho vay, dự thảo quy định đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cho vay trực tiếp đến khách hàng. Còn với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp đến khách hàng.

Về thời hạn cho vay, với vay vốn để đào tạo nghề, thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ.

Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù nhận gói vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khóa học. Thời hạn phát tiền vay được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do Ngân hành Chính sách xã hội quy định hoặc thỏa thuận với khách hàng vay vốn.

Về thời hạn trả nợ, đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

Trường hợp vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thì thời hạn cho vay tối đa là 120 tháng (10 năm). Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn để thỏa thuận với khách hàng vay vốn.

Lê Thắm

© Báo Tin tức - NetBiz