Cầu nối gắn kết giữa giáo viên và cha mẹ học sinh

18:08 | 06/03/2023 Print
(LG) “Tôn trọng - Tin tưởng - Lắng nghe - Chia sẻ - Thấu hiểu” là cầu nối gắn kết giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh trong giáo dục.
Hà Nội: Sẽ kiểm tra về mức độ chuyển đổi số của các trường học Quận Ba Đình: Bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh Xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung

Trong trường học, giáo viên chủ nhiệm có vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các lực lượng giáo dục, là cầu nối giữa các lớp với giáo viên bộ môn, Ban Giám hiệu, phụ huynh và học sinh.

Việc xác định được vị trí, vai trò cũng như tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh giúp giáo viên đạt hiệu quả cao trong các hoạt động giáo dục, từ đó góp phần tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.

Cầu nối gắn kết giữa giáo viên và cha mẹ học sinh
Quang cảnh buổi tập huấn. (Ảnh: QBĐ)

Hiểu được điều này, vừa qua, cụm trường Tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình (bao gồm các Trường Tiểu học: Ngọc Hà, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Nguyễn Bá Ngọc) đã tổ chức tập huấn kỹ năng xây dựng mối quan hệ: “Tôn trọng - Tin tưởng - Lắng nghe - Chia sẻ - Thấu hiểu” giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) đứng lớp giảng dạy.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham dự và diễn giả đã cùng chia sẻ về sự tôn trọng, tin tưởng, lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu xoay quanh mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường nhấn mạnh, phụ huynh chịu trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ học sinh. Thành công của học sinh là thước đo cho sự thành công của cha mẹ. Niềm vui gắn với thành công của con, vậy nhưng khi con em có thành tích không tốt, phụ huynh lại có xu hướng ít nhận trách nhiệm về bản thân mình và thường đổ lỗi cho thầy cô giáo. Nếu không tạo được sự tin tưởng, sẻ chia với phụ huynh, việc tương tác, trao đổi giữa gia đình - nhà trường ngày càng gặp khó khăn...

Chính vì vậy, tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đã đề nghị giáo viên viết mong muốn của mình dưới tư cách là phụ huynh học sinh; đồng thời giáo viên cũng ghi mong muốn của mình đối với phụ huynh. Thông qua trò chơi, dễ dàng nhận thấy những yêu cầu của cha mẹ học sinh lại ngày càng cao, nhưng giáo viên lại chưa biết chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân khiến phụ huynh không hiểu, dẫn đến khó hợp tác với giáo viên.

“Hiểu được những điều khiến phụ huynh không hài lòng, giáo viên sẽ biết cách tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân để đáp ứng được mong muốn của phụ huynh học sinh. Trên cơ sở nhận ra những sai lầm thường mắc phải, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh sẽ có sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường gợi ý.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, trong các buổi họp phụ huynh cần tạo môi trường hợp tác, giáo viên có thể định hướng, trao đổi những biện pháp giúp cha mẹ gần gũi, dễ dàng chia sẻ với con em mình, không chỉ về học tập mà còn nhiều hoạt động khác. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đã đưa ra rất nhiều gợi ý giúp các cô giáo trong việc xây dựng kịch bản, đổi mới cách thức tổ chức họp phụ huynh.

Kết thúc buổi tập huấn, các giáo viên chủ nhiêm đã lĩnh hội thêm những kỹ năng, nâng cao cách ứng xử, giao tiếp với cha mẹ học sinh, từ đó có thể xây dựng tốt hơn mối quan hệ gần gũi, tạo sự tin tưởng của phụ huynh với thầy cô giáo và nhà trường.

T.P

© Báo Tin tức - NetBiz