TP.HCM: Gần 62.000 doanh nghiệp nợ hơn 6.500 tỷ đồng BHXH

19:10 | 22/03/2023 Print
(LG) Theo đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tính đến hết tháng 2/2023 là 6.591 tỉ đồng với gần 62.000 đơn vị đang nợ BHXH.
TP.HCM: Đề xuất mở Phố đêm Chợ Lớn Cơ hội từ nền kinh tế xanh cho doanh nghiệp Việt Nam Vinh danh 519 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023

Theo đại diện Sở LĐTB&XH TP.HCM, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, do tác động của tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, dẫn đến tình hình lao động trong nước gặp khó khăn.

TP.HCM: Gần 62.000 doanh nghiệp nợ hơn 6.500 tỷ đồng BHXH
Người lao động đi tìm việc làm ở Khu công nghiệp VSIP 1, Bình Dương.

Số lao động làm việc ở khu vực chính thức có tham gia BHXH trong năm 2022 trên địa bàn TP.HCM là gần 2,6 triệu người, đến tháng 2/2023, số lượng này chỉ còn hơn 2,5 triệu người. Như vậy đã có gần 99.000 lao động đã rời khỏi khu vực làm việc chính thức. Số nợ BHXH, BHTN trên địa bàn TP.HCM tính đến hết tháng 2/2023 là 6.591 tỉ đồng với gần 62.000 đơn vị trên địa bàn đang nợ BHXH.

Theo kết quả khảo sát tại 3.795 doanh nghiệp vào cuối năm 2022 trên địa bàn TP.HCM cho thấy, tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ chú ý nhưng chưa đến mức bi quan. Trong đó, có 30,75% doanh nghiệp phản ánh lao động giảm, 50,65% giữ nguyên số lượng lao động và 18,6% doanh nghiệp tăng lao động. Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực giày da - dệt may, xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm.

Sở LĐTB&XH TP.HCM cũng cho biết, dự kiến trong quý II/2023, hơn 71% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng lao động như cũ, gần 21% doanh nghiệp tăng lao động, hơn 7% doanh nghiệp giảm lao động. Trong đó, nguyên nhân giảm lao động do thiếu đơn hàng chiếm 38,9%, không tái ký hợp đồng lao động hết hạn là 56,4% và một số nguyên nhân khác.

Về nhu cầu tuyển dụng lao động, trong quý II/2023, dự kiến có 851 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo là 8.229 lao động, chưa qua đào tạo là 5.441 lao động. Hơn 1.400 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển và hơn 1.500 đơn vị chưa biết có tuyển dụng thêm hay không vì tuỳ thuộc vào tình hình kinh doanh.

Về tình hình trợ cấp thất nghiệp, trong năm 2022, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 146.000 người. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 17.000 người. Đa số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, người lao động có xu hướng muốn nhận đủ số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi được tư vấn, giới thiệu việc làm và họ sẵn sàng chuyển sang khu vực phi chính thức để không tham gia BHXH cũng như được hưởng đủ số tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Minh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz