Doanh nghiệp ngành gỗ cần tái định vị theo hướng tăng trưởng xanh

19:24 | 24/03/2023 Print
(LG) Việt Nam có lợi thế chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ, trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn trên thế giới. Ngành công nghiệp này cần tái định vị tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp gỗ cần tăng cường quản trị rủi ro, chế biến và thương mại có trách nhiệm theo hướng bền vững.
Hơn 28 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 2 tháng đầu năm Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc Nhiều mặt hàng "nhóm tỷ USD" đi xuống, xuất khẩu khối FDI giảm 6,6% Phát triển rừng trồng bền vững gắn với chế biến sâu

Tại diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, so với các ngành như dệt may, da giày,… quy mô ngành gỗ nhỏ hơn nhiều, hiện tại ngành xếp thứ 6 trong mặt hàng xuất khẩu. Trong những năm qua, mức tăng trưởng cũng trên 2 con số, là tín hiệu tích cực không chỉ riêng của ngành gỗ mà của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngành gỗ hiện nay tập trung vào 4 nhóm sản phẩm xuất khẩu chính gồm: Mộc nội thất, dăm gỗ, ván công nghiệp, viên nén gỗ. Hiện nay, Việt Nam là nước lớn thứ 2 cung cấp sản phẩm gỗ cho các nước trên thế giới sau Trung Quốc và thị trường chính chủ yếu là đi Mỹ.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần tái định vị theo hướng tăng trưởng xanh
Doanh nghiệp gỗ cần tăng cường quản trị rủi ro, chế biến và thương mại có trách nhiệm theo hướng bền vững. (Ảnh minh họa: L.T.H)

Ngành công nghiệp gỗ đang đứng trước nhiều thách thức, phải kể đến đó là quy mô nhỏ, hạn chế về thiết bị và công nghệ và năng suất lao động. Hiện có khoảng 6 nghìn doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm 800 doanh nghiệp FDI, 340 làng nghề với hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô hộ gia đình. Nhiều doanh nghiệp mới hình thành, hạn chế nguồn lực hiện đại hóa sản xuất; thiếu năng lực thiết kế thương hiệu và đối mặt với rủi ro phòng vệ thương mại.

Bên cạnh những tăng trưởng đã đạt được trong những năm qua, việc sử dụng nhân công và nguyên liệu giá rẻ cũng đã và đang trở thành thách thức khi liên tục giảm đi. Cùng với đó, sản phẩm gỗ liên quan đến rừng và cây nên liên tục bị soi xét về mặt nguyên liệu, đồ gỗ hiện nay vẫn mượn thương hiệu nước ngoài dù là nước xuất khẩu gỗ lớn, đáng nói, một thách thức lớn khác là việc đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ…

Vì vậy, trong thời gian tới, để tái định vị, các doanh nghiệp ngành gỗ cần xây dựng chuỗi liên kết theo chiều sâu từ các doanh nghiệp; đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng kinh tế xanh, thương mại xanh; tăng cường trách nhiệm giải trình chế biến gỗ theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tăng cường năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu gỗ Việt; thúc đẩy thương mại điện tử đa dạng hóa thị trường.

2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2 con số. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho hay, ước tháng 2/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 800 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 1/2023 và giảm 10,9% so với tháng 2/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 490 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 1/2023 và giảm 29,7% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. Trồng rừng tập trung 245 nghìn ha, trồng 140 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 22 triệum3, thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz