Hóa giải áp lực lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

10:07 | 25/06/2022 Print
Dựa vào dữ liệu mới nhất cũng như các khó khăn phía trước, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5% (ngang bằng với mục tiêu của Chính phủ là 6,0 - 6,5%).
Điều hành tín dụng bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát Lãi suất huy động tăng trước áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn

Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và là quốc gia nhập khẩu một lượng lớn nguyên phụ liệu cho sản xuất nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát là rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của bình quân 5 tháng đầu năm 2021. Trong khi lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 1,1%, thấp hơn mức CPI bình quân chung, cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

hoa giai ap luc lam phat thuc day tang truong
UOB dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%

Quả vậy giá năng lượng thế giới tăng liên tục khiến giá xăng dầu trong nước tăng theo. Mới đây nhất, trong kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng mỗi lít. Giá xăng dầu tăng cao đã tác động tới mặt bằng giá cả chung.

Mặc dù hiện lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao và chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa không sớm được nối lại, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu này là vô cùng khó khăn.

Trong Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”, vừa được công bố mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo, lạm phát trong năm nay của Việt Nam tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Trong khi dù vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát chính của Việt Nam ở mức 3,7% trong năm 2022, song Ngân hàng UOB cảnh báo lạm phát có thể tăng lên 5% trong năm 2023.

Để ứng phó với lạm phát, nhiều NHTW trên thế giới, đặc biệt là Fed, đã phải chuyển hướng chính sách sang thắt chặt, tăng nhanh lãi suất. Chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ giữa tháng 3 đến nay cơ quan này đã thực hiện 3 lần tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát. Đặc biệt ngày 15/6 vừa qua, Fed đã thực hiện tăng lãi suất tới 75 điểm cơ bản lên mức 1,5-1,75%, mức tăng lãi suất lớn nhất trong gần 30 năm qua.

Bên cạnh lạm phát, sự chuyển hướng chính sách của các NHTW trên thế giới để ứng phó với lạm phát cũng gây thêm khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt động thái tăng nhanh lãi suất của Fed đang hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác, trong khi muốn ổn định tỷ giá, lãi suất đồng nội tệ cũng cần phải tăng tương ứng.

Tất cả những điều đó đang gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Nhất là khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội yêu cầu điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, đồng thời hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Bởi để kiềm chế lạm phát, về lý thuyết, chính sách tiền tệ cần được siết chặt lại, lãi suất cần phải tăng lên; nhưng nếu siết quá chặt sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia với việc lạm phát trong nước vẫn đang được kiểm soát tốt cũng sẽ giảm bớt phần nào áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.

Theo UOB trong bối cảnh lạm phát trong nước tiếp tục được quản lý tốt, NHNN có đủ khả năng để giữ ổn định lãi suất chính sách của mình ngay từ bây giờ để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế. Lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5% duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022.

Một yếu tố thuận lợi nữa là nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhanh chóng; cộng thêm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được triển khai quyết liệt. Theo các chuyên gia của ADB và BIDV, với tiến trình mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga – Ukraina và kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023…, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023.

Dựa vào dữ liệu mới nhất cũng như các khó khăn phía trước, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5% (ngang bằng với mục tiêu của Chính phủ là 6,0 - 6,5%). Theo ngân hàng này, trên cơ sở tăng trưởng GDP trong quý II/2012 sẽ đạt 6% so với cùng kỳ năm trước và sau đó tăng lên 7,6% trong quý III/2022.

Theo Trần Duy Đông/thoibaonganhang.vn

https://thoibaonganhang.vn/hoa-giai-ap-luc-lam-phat-thuc-day-tang-truong-128527.html

© Báo Tin tức - NetBiz