Phụ nữ Thanh Oai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh

08:39 | 26/06/2022 Print
Để phát triển nông nghiệp xanh, các cấp Hội phụ nữ huyện Thanh Oai đã phối hợp với các ngành chức năng phát triển các mô hình làng nghề, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nông dân tăng gấp đôi thu nhập từ giải pháp canh tác lúa hữu cơ Pamci Phát triển kinh tế từ chuỗi liên kết, nông nghiệp du lịch sinh thái

Các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ để vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên môn hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết, các cấp Hội phụ nữ Thanh Oai đã phối hợp các ngành chức năng thực hiện nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền. Cùng với đó là tập huấn cách nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm làng nghề và cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phụ nữ Thanh Oai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh
Phụ nữ Thanh Oai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ LHPN huyện Thanh Oai cho biết, nhiều hội viên phụ nữ đã được tập huấn sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. Từ những mảnh ruộng cấy một vụ lúa, thậm chí bỏ hoang nhiều vụ, đã được các cấp Hội tuyên truyền vận động chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất. Các mô hình chuyển đổi điển hình được phụ nữ thực hiện như mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng, gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, trứng vịt xã Liên Châu, các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư xã Liên Châu, Tân Ước, Đỗ Động.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn. Đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi tạo điều kiện hỗ trợ cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác vùng chuyển đổi đã được nâng lên gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Cá biệt có nơi giá trị thu nhập từ chuyển đổi gấp hơn 5 lần so với cấy lúa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; góp phần không nhỏ trong quá trình tiến tới mục đích đưa huyện, các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn số khó khăn, thách thức. Sự vào cuộc của một số đơn vị chưa thường xuyên; việc xây dựng quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và quy hoạch khác ở một số xã còn thiếu đồng bộ;

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào trong sản xuất còn chậm; sản xuất liên kết theo chuỗi còn rất ít và hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chủ yếu tự tiêu thụ, việc sơ chế, chế biến cũng rất hạn chế nên giá trị sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ. Do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hưu cơ...

Để tuyên truyền, vận động công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hội LHPN huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn.

Phụ nữ Thanh Oai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh
Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn

Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp quy về lĩnh vực quản lý đất đai, các quy hoạch vùng và Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mô hình canh tác mới, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả tới toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, mở các lớp dạy nghề, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ thuật trong nhân cấy nghề mới và các mô hình kinh tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ; Kết nối các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho hội viên phụ nữ.

Thành lập các mô hình hợp tác, sản xuất chuỗi liên kết chuyên canh. Hỗ trợ phụ nữ trong phát triển thị trường bằng việc tổ chức các hoạt động ngày hội sáng tạo, giới thiệu, quảng bá thông tin sản phẩm qua hệ thống loa truyền thanh, website, chợ online… của tổ chức Hội. Mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm, liên kết đầu ra cho người nông dân. Ký kết hợp đồng với các bên tăng cường đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.

Bảo Thoa/laodongthudo.vn

© Báo Tin tức - NetBiz