Du lịch sinh thái bền vững: Đòn bẩy phát triển kinh tế

16:44 | 27/06/2022 Print
(LG) Du lịch sinh thái đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, trở thành một công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế, đặc biệt với các quốc gia không có thế mạnh về công nghiệp.
Chuyển đổi sinh kế vùng nông thôn thông qua du lịch cộng đồng Liên kết phát triển du lịch bền vững: Định vị sản phẩm đặc sắc

Trong những năm gần đây, phát triển du lịch sinh thái bền vững đang trở thành xu thế tất yếu của ngành du lịch. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế, các mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng này còn tạo việc làm cho người dân, làm phong phú thêm cho bức tranh du lịch. Đặc biệt là với không gian mở, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm người, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang được xem là xu hướng du lịch hậu đại dịch Covid -19, thu hút sự quan tâm của du khách.

Vừa qua, Diễn đàn các nhà lãnh đạo du lịch về chủ đề "Du lịch an toàn và Du lịch sinh thái" trong khuôn khổ Hội nghị ngành Du lịch thế giới đã diễn ra tại Ulsan (Hàn Quốc). Đoàn Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu tham dự Diễn đàn.

Du lịch sinh thái bền vững: Đòn bẩy phát triển kinh tế
Các nhà lãnh đạo du lịch các quốc gia đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới.

Tại Diễn đàn, GS. Kazem Vafadari, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, Diễn giả chính về chủ đề du lịch sinh thái cho rằng, du lịch sinh thái đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, trở thành một công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế, đặc biệt với các quốc gia không có thế mạnh về công nghiệp. Du lịch có thể bền vững khi các điểm đến có thể quản lý được sức chứa du khách; giữ mức tác động của du lịch đến trong mức giới hạn để bảo vệ thiên nhiên địa phương; điểm đến duy trì được sức hấp dẫn đối với du khách; tìm kiếm các "điểm đến thay thế", chủ yếu là các điểm đến thiên nhiên và mang lại lợi ích cho cộng đồng; phục vụ đối tượng khách phù hợp với mục tiêu phát triển.

Theo ghi nhận từ các điểm đến trên thế giới, khách du lịch cộng đồng thường đi thăm các vườn quốc gia và khu vực, những vùng làng quê, nông thôn. Tuy nhiên du lịch sinh thái cũng phải đối mặt với một số thách thức chính như: Lợi ích kinh tế vượt khỏi tay của cộng đồng địa phương; thu nhập du lịch không được sử dụng để phát triển lan toả sang những ngành liên quan...

Các đại biểu, chuyên gia cũng đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến thách thức trong hợp tác giữa du lịch với các ngành liên quan; đảm bảo an toàn cho du khách; chính sách du lịch sau dịch; các việc cần triển khai khi mở cửa du lịch; giải pháp phát triển du lịch bền vững…

Thứ trưởng Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân dụng Nepal Toka Raj Pandey cho biết: Đỉnh Everest- Nóc nhà thế giới là một thương hiệu của du lịch Nepal, thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch sinh thái ở Nepal rất phổ biến, nhất là du lịch cộng đồng tại vùng núi và đa dạng sinh học; phát triển mạnh về homestay.

Du lịch sinh thái bền vững: Đòn bẩy phát triển kinh tế
Khu du lịch sinh thái Hồ Ba Bể, điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở miền Bắc.

Sáng kiến du lịch sinh thái, cộng đồng ở Nepal được khuyến khích, phát triển ở vườn quốc gia Bardiya, Langtab; bảo vệ hổ thành công; mô hình du lịch cộng đồng ở Annarpunar; chiến dịch Nepal NOW; chiến dịch làm sạch núi từ năm 2021 hợp tác với quân đội Nepal... Mục đích của Nepal khi phát triển du lịch là bảo vệ tự nhiên, giảm tác động biến đổi khí hậu; an toàn cho du khách.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Du lịch Pakistan Afrab-ur-Rehman Rana chia sẻ: Trước Covid, du lịch đóng góp 5,9% vào GDP của Pakistan, với 1,1 triệu khách quốc tế đến. Pakistan có 96% khách du lịch nội địa, chỉ 4% khách du lịch quốc tế.

Sau dịch Covid-19, chiến lược phục hồi của Pakistan được xác định là: Hỗ trợ doanh nghiệp; thích ứng với dịch bệnh và định hướng phục hồi... Nước này vừa xây dựng chiến lược phát triển du lịch và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tập trung phát triển các điểm du lịch thiên nhiên như: Núi, du lịch sinh thái và ưu tiên thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu đến năm 2030, du lịch đóng góp 10% vào GDP, tạo ra 6 triệu việc làm và đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Tại Việt Nam cũng có nhiều khu du lịch sinh thái nổi tiếng. Ví như, Vườn quốc gia Ba Bể cách Thủ đô Hà Nội 250km về phía Bắc, thuộc địa phận huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở miền Bắc mà bất cứ du khách nào từng một lần đến đây cũng phải bị “mê hoặc” bởi cảnh sắc thiên nhiên mây nước. Với Vườn quốc gia Ba Bể, đây chính là một một di sản thiên nhiên quý giá, hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi rất đặc biệt mà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Hay khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình với nhiều hang động nằm trong các dãy núi đá vôi, các thung lũng và hệ thống mạch sông ngầm tạo nên một không gian hùng vĩ, huyền ảo. Khu du lịch sinh thái Tràng An còn bao bọc cả một khu rừng nguyên sinh có hệ thống sinh thái đa dạng, phong phú, trong đó có những loài động vật quý hiếm như phượng hoàng đất, sáo, khướu, khỉ trăn, đặc biệt là loài vượn yếm trắng, một loài có tên trong sách đỏ thế giới.

Đặc biệt, khu sinh thái được xem là “lá phổi xanh” của thành phố Hồ Chí Minh trong việc điều hòa khí hậu và phòng hộ; đồng thời nơi đây có tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái rừng-biển. Ngoài tài nguyên rừng và hệ động thực vật rừng ngập mặn rất phong phú, khu du lịch sinh thái Cần Giờ còn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000. Nơi đây còn có tài nguyên lịch sử - văn hóa và các làng nghề truyền thống lâu đời và đa dạng.

Hiện các khu du lịch sinh thái kể trên với lợi thế về không gian thiên nhiên hùng vĩ và giá trị lịch sử - văn hoá đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thư giãn vào những ngày lễ và cuối tuần, mang lại giá trị hữu ích về kinh tế - xã hội cho địa phương, phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các nhà lãnh đạo du lịch các quốc gia đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới. Trong đó các bên nỗ lực đảm bảo tất cả khách du lịch trên thế giới có một môi trường du lịch an toàn; ưu tiên hàng đầu cho khám phá kinh doanh và hỗ trợ du lịch sinh thái; cố gắng bảo tồn môi trường tự nhiên của thiên nhiên; lan tỏa sự đồng thuận của khách du lịch trên toàn cầu đối với du lịch sinh thái, nhân rộng các hành động hàng đầu về du lịch sinh thái…

Phương Bùi

© Báo Tin tức - NetBiz