Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

09:45 | 07/07/2022 Print
Mấy ngày qua, vợ chồng chị T.V.T (quận Hà Đông, Hà Nội) liên tục nhận được cuộc gọi của người thân, bạn bè hỏi thăm về tình hình kinh tế. Lúc này, chị T mới biết tài khoản mạng xã hội Zalo và Facebook của vợ chồng chị đã bị một số đối tượng lấy cắp.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật cao Blockchain: Công nghệ mới cho nền kinh tế số

Các đối tượng đã dùng các tài khoản này gửi tin nhắn đến người quen của vợ chồng chị, trình bày là đang gặp khó khăn về tài chính và muốn vay một khoản tiền. Không ít người đã chuyển tiền cho các đối tượng nêu trên. Mặc dù chị T đã gọi điện, nhắn tin cho nhiều người quen để cảnh báo, nhưng tình trạng lừa đảo vẫn tiếp diễn.

Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao
Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đối tượng Phạm Vũ Quang Trường (trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) về hành vi chiếm dụng tài khoản Facebook để lừa đảo hơn 10 tỷ đồng. (Ảnh LÊ THÀNH)

Gần đây nhất, một số máy lạ đã nhắn tin cho chị T với nội dung đòi tiền. “Các đối tượng nhắn tin nêu rõ tên tuổi, địa chỉ công tác, thậm chí cả số căn cước công dân của vợ chồng tôi. Chúng yêu cầu tôi phải liên lạc lại và trả nợ một khoản tiền. Nếu không thực hiện theo yêu cầu, chúng dọa sẽ phá hoại uy tín, công việc làm ăn của gia đình tôi”, chị T cho biết.

Ngày 19/6 vừa qua, Công an quận Long Biên (Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Văn B về việc anh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Do có nhu cầu vay tiền, anh B lên internet để tìm kiếm thông tin. Sau đó, anh B được một đối tượng liên hệ, hướng dẫn chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng thì anh B mới được “giải ngân” khoản vay.

Sau khi chuyển tiền, anh B nghi ngờ mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo. Cũng là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, anh M.Đ (ở Nghệ An) phải từng mất ăn mất ngủ nhiều ngày khi nhận được cuộc gọi của một đối tượng nói giọng miền nam, tự xưng là cán bộ công an điều tra. Đối tượng cho biết anh Đ liên quan đến một vụ án buôn bán ma túy.

Trong nhiều ngày, kẻ lừa đảo liên tục gọi điện, yêu cầu anh Đ phải thành khẩn khai báo, nếu không sẽ bị bắt giam. Muốn được “tạo điều kiện” và để “phục vụ công tác điều tra”, anh Đ phải chuyển một khoản tiền vào số tài khoản được chỉ định. Vì sợ hãi, anh Đ đã chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng nêu trên.

Trong những năm gần đây, các vụ lừa đảo công nghệ cao diễn ra ngày càng nhiều, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hình thức phổ biến nhất vẫn là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên bưu điện… rồi đe dọa, buộc nạn nhân phải chuyển tiền. Một thủ đoạn khác cũng khá phổ biến là đối tượng hack (đột nhập) tài khoản mạng xã hội của những người có nhiều mối quan hệ rồi nhắn tin vay tiền.

Thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính, không ít đối tượng đã lập các ứng dụng điện thoại, trang web cho vay tiền nhưng thực chất không giải ngân mà yêu cầu người có nhu cầu chuyển tiền trước để chiếm đoạt. Cũng có nhiều đối tượng đăng thông tin tuyển cộng tác viên bán hàng, yêu cầu chuyển tiền trước để đặt một số món hàng. Sau khi nhận được tiền, chúng chặn liên hệ với nạn nhân để chiếm đoạt tài sản…

Theo Thượng úy Phạm Khánh Hòa (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an), trước tình hình tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân cần nâng cao kiến thức về loại tội phạm này. Tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, số tài khoản, thông tin internet banking với các đối tượng trên mạng.

Cần tỉnh táo và hiểu rõ những nguyên tắc như không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Không nghe và thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Viện kiểm sát nhân dân, tòa án, công an các cấp làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi về nơi ở.

Tất cả các cuộc làm việc để điều tra, xác minh của công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án… với người dân đều thực hiện trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua mạng và điện thoại.

Thiếu tá Trần Thế Chung, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, để hạn chế những thiệt hại tài sản không đáng có của người dân và đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm của người dân trong quá trình sử dụng mạng xã hội và thiết bị công nghệ rất quan trọng. Khi nhận được điện thoại nghi ngờ lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo đến cơ quan công an gần nhất để phối hợp điều tra, truy bắt các nhóm lừa đảo…

Theo Kim Oanh - Lan Anh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/canh-giac-voi-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-704218/

© Báo Tin tức - NetBiz