Bộ Tài chính rà soát, bãi bỏ 25 thủ tục hành chính trong 6 tháng đầu năm

15:25 | 10/07/2022 Print
(LG) Bộ Tài chính đã bãi bỏ 25 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 thủ tục và ban hành mới 3 thủ tục trong các lĩnh vực hải quan, quản lý thuế, tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm.
Điều hành chính sách tiền tệ nhằm phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia, đạt 100% kế hoạch; rà soát đề xuất danh mục chế độ báo cáo định kỳ điện tử hóa giai đoạn 2021-2022 bao gồm 230 chế độ báo cáo đạt tỷ lệ 79,31%, vượt hơn 20% so với yêu cầu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ.

Tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ và năm thứ 8 liên tục (từ năm 2014-2021) Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 Bộ dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 91,90/100 điểm.

Bộ Tài chính rà soát, bãi bỏ 25 thủ tục hành chính trong 6 tháng đầu năm
(Ảnh minh họa)

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan. Đến hết tháng 6, tổng số thủ tục hành chính là 874, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý là 866, trong đó: Số DVCTT mức độ 3 là 62 (tỷ lệ 7,16%); số DVCTT mức độ 4 là 457 (tỷ lệ 52,58%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 519 (tỷ lệ 59,93%).

Tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử đối với các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; xử lý trên 10 triệu hồ sơ của 858,9 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%); 850,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế điện tử (đạt trên 98,93%); có 825,9 nghìn đơn vị (chiếm 99,2% tổng số) và 62,7 nghìn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (chiếm 100%) theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; đã chính thức vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế từ các nước bên ngoài Việt Nam từ tháng 3/2022.

Kết nối 13/14 bộ, ngành, với 249 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 54 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với 9 nước khu vực ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN; cung cấp 215/243 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Tiếp tục triển khai tổ chức bộ máy nội bộ theo tinh thần các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, năm 2022, Bộ Tài chính đã giao biên chế giảm 10% so năm 2015; thực hiện sắp xếp để giảm 2 đầu mối đơn vị cấp Chi cục (Tổng cục Dự trữ Nhà nước).

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó kiến nghị cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm năm 2022 theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và đến khi chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW được thực hiện; kiến nghị cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz