Phấn đấu khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM giữa năm 2023

10:23 | 16/07/2022 Print
(LG) Trải qua quãng thời gian dài chuẩn bị các thủ tục pháp lý, đến nay dự án đường Vành đai 3 TP.HCM chính thức triển khai, kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian mới, động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong Vùng.
Đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM Ký kết phối hợp triển khai dự án đường Vành đai 3 TP.HCM Đề xuất làm đường liên cảng 'chia lửa' cho cảng Cát Lái tại TP.HCM

Tại Hội nghị triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM tổ chức vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM được giao là đầu mối, điều phối chung dự án và phối hợp với các địa phương trong khu vực để triển khai dự án.

Phấn đấu khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM giữa năm 2023
Bình đồ hướng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM.

Đây là dự án rất lớn về quy mô, khối lượng công việc, diễn ra tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và phải triển khai trong một khoảng thời gian ngắn, cơ bản thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025. Hiện nay với vai trò đầu mối, TP.HCM đã tổ chức các cuộc họp với các địa phương, thống nhất kế hoạch và quy chế phối hợp, đồng thời dự kiến trong tháng 7/2022 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai dự án này.

"Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khi kiểm tra các dự án trọng điểm phía Nam có giao nhiệm vụ cho TP.HCM và các địa phương cố gắng khởi công dự án vào tháng 6/2023, sớm hơn dự kiến là cuối năm 2023. Do vậy các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị nguồn lực và các phần việc cụ thể để có thể khởi công dự án vào tháng 6/2023", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn TP.HCM, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, trên địa bàn TP.HCM, dự án Vành đai 3 dài khoảng 47,51km, đi qua thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh với số hộ bị ảnh hưởng khoảng 2.377 hộ, trong đó khoảng 741 hộ phải bố trí tái định cư. Hiện Sở đã đề xuất giải pháp thực hiện chủ trương giải quyết tái định cư trước cho hộ dân đủ điều kiện.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trải qua quãng thời gian dài chuẩn bị các thủ tục pháp lý, đến nay dự án đường Vành đai 3 mới chính thức triển khai, khẳng định trách nhiệm, sự cam kết của lãnh đạo và nhân dân TP.HCM trước Quốc hội, Chính phủ.

"Với quy mô lớn về nguồn vốn, trải qua nhiều địa phương, ảnh hưởng nhiều người dân nên việc triển khai dự án sẽ gặp không ít khó khăn. Tại dự án này, cần phải giải quyết tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, phải tính toán để làm sao người giữ đất, người sử dụng đất yên tâm khi bàn giao đất, đồng thuận hoặc tương đối đồng thuận việc giao mặt bằng thi công, hạn chế tối đa cưỡng chế. Chú ý việc nên bồi thường tái định cư trước rồi mới giải phóng mặt bằng. Phải nói cho dân hiểu, dân thông, dân thực hiện, dân đồng thuận thì mọi thứ sẽ ổn", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 76,34km, đi qua địa bàn TP.HCM (khoảng 47,51km), Long An (khoảng 6,81km), Đồng Nai (khoảng 11,26km), Bình Dương (khoảng 10,76km). Dự kiến để triển khai dự án sẽ có khoảng 643 ha đất bị chiếm dụng, trong đó đất dân cư khoảng 64ha, còn lại là đất trồng lúa, nông nghiệp, đất rừng, đất trồng cây lâu năm…Đây là tuyến đường cao tốc loại A, quy mô 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, đường song hành có quy mô ít nhất 2 làn xe. Dự tính tổng mức đầu tư của dự án đường Vành đai 3 khoảng 147.292 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng, dự kiến ngân sách Trung ương là 38.741 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Minh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz