Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ vượt mục tiêu

10:06 | 16/07/2022 Print
(LG) Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với nền tăng trưởng đạt được trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ vẫn lạc quan.
Cần phối hợp chặt chẽ các chính sách để kiểm soát lạm phát Vững tin mục tiêu tăng trưởng GDP Tăng trưởng GDP cao và dấu ấn điều hành của Chính phủ

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của CIEM dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra, ở mức 6,7% (ở kịch bản 1) và 6,9% (ở kịch bản 2).

Trong đó, ở kịch bản 1, với giả định tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân, GDP của thế giới sẽ tăng 2,9% trong năm 2022 và giá dầu thô thế giới tăng 42%. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,7%, lạm phát bình quân tăng 4%, tăng trưởng xuất khẩu là 15,8% và cán cân thương mại sẽ giữ mức 1,2 tỷ USD.

Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ vượt mục tiêu
CIEM dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể đạt 6,7-6,9%.

Ở kịch bản 2, với việc giữ nguyên các giả thiết như trong kịch bản 1 nhưng điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,6%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2,0%... CIEM dự kiến tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 6,9%, trong khi lạm phát bình quân ở mức 3,7%, tăng trưởng xuất 16,3% và cán cân thương mại sẽ là 2,7 tỷ USD.

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cũng đưa ra 5 yếu tố chính ảnh hưởng đến kịch bản. Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới. Thứ hai, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thứ ba, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh: “Ở thời điểm hiện tại, nhìn lại bài học trong ứng xử với lạm phát và hệ lụy khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009 có thể thấy chỉ thực hiện các biện pháp điều hành tổng cầu, tức là nới lỏng hay thắt chặt tài khóa, tiền tệ thì khó có thể phát huy bền vững đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế”.

Thứ tư, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại, công nghệ giữa các siêu cường quốc, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD. Thứ năm, khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, các chuyên gia CIEM cho rằng, dù Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, nhưng áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Do vậy, kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ quan trọng với Việt Nam hiện nay.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz