Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng sen trên vùng đất trũng

14:10 | 24/07/2022 Print
(LG) Dễ trồng, thích nghi tốt với những vùng đất trũng, nhiều năm qua, cây sen đã được nông dân tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chọn làm cây trồng phát triển kinh tế thay thế cây lúa. Vào mỗi vụ sen, người dân không chỉ thu hoạch các sản phẩm hoa sen, đài sen mà còn khai thác du lịch. Đặc biệt, mô hình trồng sen vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết được vấn đề ruộng đồng bị bỏ hoang do thường xuyên ngập nước.
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Định hướng lớn để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những ngày giữa tháng 7, về thôn Đức Dương đúng mùa sen nở, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sen đã phủ kín một vùng ruộng trũng khi xưa. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng sen, ông Nguyễn Văn Chức (chủ đầm sen Hạnh Chức) cho biết, trước đây vùng đất này người dân chủ yếu canh tác lúa nhưng nguồn thu nhập mang lại không cao.

Nguyên nhân là do thời tiết biến đổi thất thường, sâu bệnh, dịch hại thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, diện tích canh tác của gia đình ông nằm ngoài đê, thuộc vùng đất trũng nên thường xuyên bị ngập úng do mực nước dâng cao, hàng năm chỉ trồng lúa được một vụ.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng sen trên vùng đất trũng
Trồng sen đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa nên hiện nay

Từ những khó khăn trên, ông Chức quyết định chuyển sang canh tác cây trồng khác có hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. “Nhận thấy canh tác lúa không phù hợp với vùng đất trũng, không đem lại hiệu quả kinh tế, thấy nhiều nơi trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển sang loại cây trồng này”, ông Chức cho hay.

Liền kề với đầm sen của gia đình ông Chức, gia đình bà Vương Thị May cũng đã chuyển đổi thành công từ mô hình trồng lúa sang sen hạt. Trong câu chuyện về trồng sen trên vùng đất trũng, bà May cho hay: “Trồng sen không cần đầu tư quá lớn, thời gian thu hoạch của sen lâu hơn lúa. Ngoài hoa, người trồng thu hoạch lá, hạt sen, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa, từ đó mà bà con trong vùng phấn khởi, cùng nhau chuyển đổi, nhân rộng mô hình”.

Đến nay sau hơn 10 năm chuyển đổi mô hình, vùng đất trũng của thôn được bao phủ bởi 200ha sen hồng. Người dân nơi đây trồng sen một vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 hàng năm và đến khoảng tháng 5 cây sen cho thu hoạch.

Dạo quanh đầm sen, cảm nhận thoang thoảng hương sen chúng tôi mới hiểu, vì sao người dân nơi đây chọn cây trồng này. Bởi lẽ, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trồng sen còn đem lại môi trường sinh thái trong lành cho người dân trong vùng.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng sen trên vùng đất trũng
Người dân nơi đây thu hoạch hoa sen, đài sen, lá sen kết hợp khai thác du lịch, cho khách tới tham quan, chụp ảnh tại đầm.

Chia sẻ về hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, bà Trần Thị Hạnh cho biết: “Những vụ được mùa, người trồng thu hoạch đài sen được 1,5 - 2 triệu đồng/sào, ngoài ra chúng tôi thu hoạch lá sen, bán hoa sen, kết hợp với khai thác du lịch, cho khách đến tham quan, chụp ảnh tại đầm. Đối với chúng tôi, hiệu quả kinh tế cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là trồng sen giúp môi trường sinh thái của làng quê thêm trong lành, sạch đẹp, giúp quảng bá vẻ đẹp của quê hương”.

Mong muốn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc

Sự chuyển biến về hiệu quả kinh tế đã chứng minh việc thay đổi đổi mô hình trồng sen trên vùng đất trũng là hướng đi đúng đắn của bà con nơi đây. Tuy nhiên, mô hình này hiện tại vẫn mang tính tự phát, mặc dù diện tích trồng lớn nhưng người dân vẫn chưa có được thị trường tiêu thụ ổn định do đó chưa phát huy hết giá trị của loại cây trồng tiềm năng này.

Người dân vẫn còn một số trăn trở do hoa sen phụ thuộc nhiều vào thời tiết, kỹ thuật chăm sóc của người dân còn hạn chế. Người dân bán sen phụ thuộc vào giá thương lái đưa ra nên chưa cao, đầu ra cho các sản phẩm từ cây sen rất tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn do thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm, đầu tư, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn nhiều hạn chế. Người dân trong thôn mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm tổ chức mời các chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sao cho hiệu quả, hướng tới trồng sen theo các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGap...

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng sen trên vùng đất trũng
Những năm gần đây lượng khách tới chụp ảnh tại đầm sen ngày càng nhiều.

Chỉ tay về phía những đài sen màu xanh thẫm đang vào thời điểm cho thu hoạch hạt, bà Trần Thị Hạnh bày tỏ: “Những năm trước sen được mùa, bà con phấn khởi thu hoạch nhưng năm nay sen mất mùa, cho năng suất kém, số đài sen có hạt chắc không nhiều. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay không phù hợp, sen mắc bệnh cháy lá, thối ngó, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp để chữa nhưng vẫn chưa hiệu quả triệt để. Chúng tôi mong được chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật chăm sóc hoa sen để hạn chế sâu bệnh, tạo năng suất cao hơn cho các hộ dân”.

Chia sẻ về hiệu quả và hướng phát triển cây sen nơi đây gắn với khai thác du lịch, ông Bùi Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Phú chia sẻ: “Trồng sen thu hoạch được nhiều lần, năng suất cao hơn cấy lúa, tạo thu nhập tốt, đem lại sự phấn khởi cho nhân dân trong vùng, tuy nhiên hiện nay bà con vẫn đang làm tự phát. Chúng tôi cũng đang trình, xin chuyển đổi 200ha để chuyên trồng sen, khai thác dịch vụ du lịch.

Giống sen các hộ đang trồng chỉ cho thu khoảng 3 tháng trong một năm, để tạo sự đa dạng về các loại sen, có thể trồng, sản xuất quanh năm phù hợp với khai thác du lịch, chúng tôi đang triển khai thí nghiệm dự án đưa một số giống sen mới vào trồng như: sen củ, sen hoa... Một số cán bộ huyện, xã và hộ dân đã được tập huấn, tham quan các mô hình trồng sen ở huyện Mê Linh, ở tỉnh Thừa Thiên Huế... để có thể đưa các giống sen mới về trồng ở địa phương”.

Nguyễn Hoa

© Báo Tin tức - NetBiz