Kinh tế Việt Nam “lạc nhịp” tích cực

09:08 | 26/07/2022 Print
Trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam dường như “lạc nhịp” so với thế giới, song phần lớn trong sự “lạc nhịp” đó là tích cực.
Chính sách đúng hướng giúp kinh tế Việt Nam giảm tác động tiêu cực Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo ở mức 6,5% trong năm 2022

Có thể tiếp tục khác nhịp với kinh tế toàn cầu

Kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình thế tăng trưởng GDP thấp đi trong khi lạm phát gia tăng. WB dự báo năm 2022, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 2,9% (so với mức tăng trưởng 6,1% năm 2021); trong khi lạm phát dự báo ở mức khoảng 6,2% (tăng mạnh so với mức 3,8% năm 2021).

IMF dự kiến cuối tháng này sẽ công bố dự báo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022. Nhiều khả năng định chế này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng và nâng dự báo về lạm phát toàn cầu.

Trong khi đó 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam có diễn biến ngược lại: Tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ (đạt 6,44%), trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp (2,44%). Với kết quả 6 tháng khả quan, nhiều tổ chức cả trong và ngoài nước gần đây đều điều chỉnh tăng (hoặc ít nhất là giữ nguyên) dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 của Việt Nam.

Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khoảng 6-6,5% cho cả năm nay giờ đây đã trở thành “kịch bản cơ sở” của nhiều tổ chức, trong đó không ít kỳ vọng sẽ còn cao hơn, ở mức 7% - 7,5%; thậm chí nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng có thể vượt mức 10% trong quý III này trên cơ sở mức nền thấp trong quý III/2021 (khi tăng trưởng GDP ghi nhận tăng trưởng âm trên 6%) nhờ sự hồi phục của tiêu dùng, du lịch, sản xuất, tác động của Chương trình phục hồi…

huong di de viet nam tiep tuc thanh cong
Sản xuất phục hồi mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát. - Ảnh minh họa.

Thực tế, thế “lạc nhịp” ấy không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã tồn tại trong các năm 2020-2021, ngay khi kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Cụ thể năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới ghi nhận mức âm 3,1%, trong khi Việt Nam vẫn đạt 2,91%; năm 2021, khi kinh tế thế giới phục hồi, tăng mạnh ở mức 6,1% năm 2021 thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp, chỉ đạt 2,58%.

Đặc biệt, sau khi chứng kiến GDP trải qua tăng trưởng âm 6% vào quý III/2021 trong khi các động lực chính (sản xuất, tiêu dùng… chưa có sự phục hồi nào đáng kể dù chúng ta đã bắt đầu chuyển qua chiến lược thích ứng và sống chung với Covid), và các chương trình, các gói hỗ trợ phục hồi cũng chưa thấy “hình hài” rõ ràng, nên đã có không ít ý kiến cảnh báo Việt Nam đã bị lỡ nhịp phục hồi so với kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng như đã thấy từ nửa cuối quý IV/2021 và 6 tháng đầu năm nay, khi sự chuyển hướng chống dịch, tái mở cửa nền kinh tế có đủ thời gian để “ngấm” vào hoạt động kinh tế - xã hội; các động lực quan trọng của tăng trưởng bắt đầu hồi phục nhanh và nhất là Chương trình phục hồi được thông qua (dù tác động và hiệu quả thực tế chưa nhiều do mới bắt đầu triển khai), tăng trưởng GDP nói riêng, các chỉ số vĩ mô nói chung đang ngày càng cải thiện.

Điều đó cho thấy phần lớn sự “lạc nhịp” này đều thể hiện sự tích cực của kinh tế Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia, tình thế ấy chỉ mang tính chất ngắn hạn và nếu kinh tế thế giới suy giảm kéo dài thì những tác động ngày càng lớn đến một nền kinh tế mở như Việt Nam cũng khó tránh khỏi.

Vì vậy, điều quan trọng hơn mà ai cũng kỳ vọng là nếu kinh tế toàn cầu cải thiện và đi vào ổn định hơn thì Việt Nam - trong bối cảnh đã kiểm soát và thích ứng tốt với dịch bệnh - sẽ không bỏ lỡ cơ hội tận dụng để càng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

huong di de viet nam tiep tuc thanh cong

Không để lỡ nhịp phục hồi

Theo các chuyên gia, nếu thành công trong duy trì các động lực tăng trưởng chính, đồng thời hóa giải được các thách thức lớn nhất hiện nay đối với tăng trưởng và ổn định vĩ mô trong nửa cuối năm thì Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm 2022 mà không chịu tác động quá lớn từ sự suy giảm của bên ngoài. Quan trọng hơn là sẽ tạo nền tảng vững chắc và tích cực hơn cho năm 2023 và cả giai đoạn từ nay đến 2025.

Về động lực, các báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect, CTCP Chứng khoán Bảo Việt, Quỹ VinaCapital… đều nhận định sự hồi phục của đầu tư, sản xuất, tiêu dùng… sẽ là những yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng tiếp tục tích cực.

Cùng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - kỳ vọng bên cạnh sự tăng trưởng ổn định của khu vực nông nghiệp và công nghiệp thì sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, sẽ giúp tăng trưởng tiếp tục cải thiện. Vì vậy, cần tiếp tục có các giải pháp và hỗ trợ để các khu vực, đặc biệt là dịch vụ có sự phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.

Cũng nhấn tới mảng dịch vụ, ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered - chia sẻ: “Sự phục hồi kinh tế có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tin tưởng với giá một số vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây (giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà thầu xây dựng) và các giải pháp thúc đẩy quyết liệt từ Chính phủ, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công sẽ thuận lợi hơn, đạt được kết quả cao trong 6 tháng cuối năm. Yếu tố cũng được các chuyên gia rất kỳ vọng là việc đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi, với những kết quả có thể sẽ thấy rõ ngay từ cuối quý III này.

Về rủi ro, áp lực lạm phát vẫn được coi là thách thức lớn nhất hiện nay. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức, CPI có thể sẽ có thời điểm vượt ngưỡng 4% trong năm nay, tuy nhiên cả năm vẫn chỉ quanh mức 4% trong bối cảnh chúng ta vẫn chủ động bảo đảm được nguồn cung về lương thực, thực phẩm - nhóm chiếm trọng số lớn trong CPI. Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu không chịu áp lực tăng trở lại và có thể giảm thêm thì lạm phát cũng sẽ bớt áp lực hơn.

Hơn nữa, theo PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù áp lực lạm phát rất lớn nhưng không vì thế mà chúng ta sợ lạm phát cao vọt lên.

“Sáu, bảy năm qua, với tính kỷ luật cao trong điều hành, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất tốt, giữ được vĩ mô ổn định. Trong điều kiện tốt thế này thì đừng sợ lạm phát, dù áp lực lạm phát rất lớn. Năm nay, lạm phát có lên tới 5-6% cũng là bình thường”, chuyên gia này nói và cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế tốt để phục hồi, thậm chí không chỉ phục hồi mà còn tận dụng thời cơ để bứt lên. Nên đây là thời cơ quý cần tận dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp đang còn yếu đứng dậy.

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-viet-nam-lac-nhip-tich-cuc-129472.html

© Báo Tin tức - NetBiz