Các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số

13:44 | 28/07/2022 Print
(LG) Nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt trước kế hoạch đề ra nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo ở mức 6,5% trong năm 2022 Ngân hàng tích cực hỗ trợ tín dụng cho thị trường BĐS, đi đôi với kiểm soát rủi ro

Thông tin tại buổi họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Các ngân hàng đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số. “Nhóm 10 ngân hàng top đầu chi đầu tư 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho chuyển đổi số”, ông Dũng cho hay.

Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính, ngành Ngân hàng tập trung vào một số công việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức từ bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0…

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.

Thứ tư, chú trọng công tác nhân sự, coi nguồn nhân lực có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động ngành Ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022).

Phúc Chương

© Báo Tin tức - NetBiz