"Gỡ khó" cho bến xe miền Đông mới

18:24 | 02/08/2022 Print
(LG) Một điều hy hữu tại dự án bến xe miền Đông mới ở thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Samco) làm chủ đầu tư là mặc dù bến xe được đầu tư và đưa vào khai thác gần 2 năm nay (từ tháng 10/2020) nhưng hiện khu đất làm bến xe vẫn chưa có hợp đồng thuê đất. Cùng với đó là hàng loạt vướng mắc về cơ chế, chính sách di dời và kết nối hạ tầng để người dân tiếp cận với dịch vụ bến xe.
Yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông tại các trạm thu phí không dừng Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thu phí ETC trên địa bàn TP.HCM “Gánh nặng” cho hạ tầng giao thông ngày càng lớn

Hoạt động gần 2 năm nhưng chưa có hợp đồng thuê đất (!)

Thực tế bến xe miền Đông mới cho thấy, hiện nay bến xe này vẫn thưa vắng hành khách và các doanh nghiệp vận tải. Nhiều khu vực còn bỏ trống, không có đơn vị thuê mướn. Theo đại diện Samco: Đến nay Samco vẫn chưa nhận được hợp đồng thuê đất bến xe Miền Đông mới từ Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM mặc dù bến xe hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 10/2020.

Hiện nay đang xảy ra một số tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động của bến xe Miền Đông mới như hạ tầng kết nối giao thông giữa bến xe Miền Đông mới ra Quốc lộ 1 vẫn chưa được hoàn thiện nên hành khách và các phương tiện vận tải ra, vào bến gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.

Số tuyến xe buýt kết nối với bến xe Miền Đông mới chưa nhiều cũng như tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chưa đưa vào hoạt động nên hạn chế khả năng tiếp cận của hành khách đến bến xe.

Trong khi đó, tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình” hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp tại khu vực trung tâm TP.HCM, các bãi giữ xe, các trạm tiếp nhiên liệu thường xuyên tổ chức đón, trả (lên, xuống khách). Việc hành khách thay đổi phương thức di chuyển các tuyến đường dài từ đường bộ sang đường hàng không, đường sắt do giá rẻ ngày càng tăng.

Vắng vẻ nhiều khu vực bán vé trong bến xe miền Đông mới.

Cùng với đó, bến xe Miền Đông mới đưa vào hoạt động từ ngày 10/10/2020 đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Đường nội bộ bên trong bến xe đang sử dụng thay cho đường A8 (dự án giao thông xung quanh bến xe Miền Đông mới chưa thực hiện) phục vụ đi lại cho khu dân cư xung quanh nên ảnh hưởng đến hoạt động của bến xe Miền Đông mới cũng như nguy cơ gây mất an ninh trật tự của bến xe.

Hiện trong bến xe Miền Đông mới vẫn còn trường hợp nhà người dân chưa được giải phóng mặt bằng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trong bến xe cũng như ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình xây dựng trong bên.

Ngoài ra, việc hợp tác với Tập đoàn Tokyu đầu tư các khu dịch vụ công cộng và thương mại vẫn chưa thực hiện được do việc kinh doanh các khu chức năng dịch vụ công cộng, khu thương mại thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản và kinh doanh bất động sản không phải là ngành nghề chính của Samco.

Lên phương án di dời

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc di dời bến xe miền Đông hiện hữu (ở quận Bình Thạnh, khu vực nội đô TP.HCM) cũng như hoạt động của bến xe miền Đông mới, đại diện Samco trình Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM phương án di dời. Cụ thể, Samco đề xuất phương án chuyển toàn bộ các tuyến đường đang hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu ra bến xe Miền Đông mới, chia thành 2 giai đoạn tiếp theo, sau khi giai đoạn 1 đã triển khai như hiện trạng.

Theo đó, giai đoạn 2 sẽ di dời toàn bộ các tuyến đường (trừ các tuyến đường có hành trình chạy xe đi qua Quốc lộ 14) với tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch là 124 tuyến đường. Trong đó số tuyến thực tế di dời có 75 tuyến đường đang đăng ký hoạt động, chiếm khoảng 54% số tuyến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (138 tuyến). Dự kiến bình quân có 1.005 chuyến/ngày, chiếm khoảng 66% số chuyến xuất bến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (1.524 chuyến/ngày). Số lượng phương tiện di dời khoảng 1.689 xe đăng ký, số lượng doanh nghiệp vận tải đăng ký là 89 đơn vị. Thời điểm di dời giai đoạn 2 vào ngày 11/10/2022.

Tiếp đến, giai đoạn 3 được thực hiện khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định tình hình trật tự vận tải, kết nối giao thông được đảm bảo, đồng thời bến xe Miền Đông hiện hữu (bến xe cũ) chưa thực hiện xong quy hoạch 1/500 để công bố bến xe khách, tiếp tục di dời toàn bộ các tuyến đường còn lại. Tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch là 80 tuyến đường, trong đó có 63 tuyến đường đang đăng ký hoạt động, chiếm khoảng 46% số tuyến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (138 tuyến). Tổng số chuyến/ngày là 518 chuyến/ngày, chiếm khoảng 34% số chuyến xuất bến tại bến xe Miền Đông hiện hữu (1.524 chuyến/ngày). Số lượng phương tiện di dời khoảng 508 xe đăng ký, số lượng doanh nghiệp vận tải đăng ký là 71 đơn vị.

"Gỡ khó" cho bến xe miền Đông mới

Hoạt động gần 2 năm nay nhưng đến nay bến xe miền Đông mới vẫn chưa có hợp đồng thuê đất.

Để đảm bảo bến xe Miền Đông mới và bến xe Miền Đông hiện hữu hoạt động ổn định, từng bước phát triển theo quy hoạch, đại diện Samco kiến nghị Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị công bố tuyến đường vận tải hành khách liên tỉnh cố định hoạt động tại bến xe Miền Đông mới giai đoạn 2; làm việc với các Sở GTVT các tỉnh/thành phố liên quan để hướng dẫn các đơn vị về vận tải thực hiện đầy đủ các thủ tục chuyển sang hoạt động tuyến đường tại bến xe Miền Đông mới.

Theo đại diện Samco: Cần tổ chức vận tải để bến xe Miền Đông mới trở thành trung tâm kết nối vận tải, phát huy hiệu quả, quy hoạch bến xe theo hình thức TOD; ban hành quy định xe vận chuyển hành khách vào nội đô TP.HCM như hình thức city tour, cấp tem nội đô, xe trung chuyển, hạn chế xe 16 chỗ trở lên hoặc kích thước tương đương vào trung tâm Thành phố hoặc tiến tới hạn chế và cấm xe chở khách liên tỉnh; xe hợp đồng vào trung tâm thành phố...

Cùng với đó cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự vận tải như “bến lậu”, “xe trá hình”, xe chạy sai hành trình trên địa bàn TP.HCM, xử lý triệt để các điểm xe đón trả khách trong nội thành, các bãi đậu, giữ xe thực hiện đúng chức năng trông giữ xe theo quy định. Sở GTVT TP.HCM xem xét tổ chức gom các đầu bến trong khu vực và điều chỉnh, mở mới các tuyến xe buýt kết nối vào bến xe Miền Đông mới.

Về công tác tổ chức giao thông, đại diện Samco kiến nghị Sở GTVT TP.HCM đôn đốc các đơn vị có liên quan sớm đưa các công trình giao thông vào khai thác để kết nối giao thông thuận lợi cho hoạt động của bến xe Miền Đông mới, tạo điều kiện kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây tốt hơn nữa để thuận tiện cho hoạt động của các xe liên tỉnh.

“Với lưu lượng xe ra vào bến hàng ngày (trung chuyển, buýt, liên tỉnh) dự kiến bình quân khoảng 2.231 chuyến/ngày, ngoài ra còn xe “ôm”, grab, taxi nên áp lực giao thông khu vực xung quanh bến xe là rất lớn. Do đó, hạ tầng giao thông đường bộ khu vực xung quanh bến xe Miền Đông mới cần phải hoàn thiện để đáp ứng được nhu cầu”, đại diện Samco đề xuất.

Bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động giai đoạn 1 kể từ ngày 10/10/2020 với tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch bao gồm 71 tuyến đường, đang hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu là 29 tuyến đường (các tuyến đường từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc theo Quốc lộ 1A).

Đối với bến xe miền Đông hiện hữu, theo Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bến xe sẽ điều chỉnh 1 phần chức năng thành bến xe buýt nội tỉnh. Tuy nhiên hiện nay việc lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bến xe Miền Đông hiện hữu chưa thực hiện được cũng như chưa xác định được đơn vị chủ đầu tư dự án dẫn tới việc tái tổ chức, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh tại bến xe Miền Đông hiện hữu sau di dời đang gặp nhiều khó khăn. Hiện bến xe miền Đông hiện hữu vẫn đang hoạt động "cầm chừng" trong thời gian chờ hoàn tất việc di dời ra bến xe miền Đông mới.

Xuân Tình - Thành Đồng

© Báo Tin tức - NetBiz