Đi chợ thời công nghệ số: Mua hàng không cần tiền mặt

15:48 | 07/06/2022 Print
Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 đầu tiên trên địa bàn, hơn 70% tiểu thương (khoảng 200 hộ kinh doanh) tại chợ trung tâm Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt.
Blockchain: Công nghệ mới cho nền kinh tế số Khi doanh nghiệp bước vào “sân chơi” thực tế ảo

Đây là mô hình nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

Không dùng tiền mặt khi đi chợ - Mô hình chợ 4.0 thuận tiện và an toàn - Ảnh 1.
Chị Nguyễn Thị Thúy hướng dẫn khách thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm Đại Từ. (Ảnh: VGP/Hiền Minh)

Chợ trung tâm Đại Từ là khu chợ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình chợ số 4.0 với nền tảng mobile money, dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền và thanh toán không sử dụng tiền mặt một cách thuận tiện, an toàn, bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.

Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương bán quần áo tại chợ trung tâm Đại Từ cho biết, trước khi sử dụng thanh toán số, chị rất băn khoăn và ngại thay đổi vì nghĩ thanh toán số khó làm, tuổi chị cũng đã cao nên có thể gây nhầm lẫn hoặc làm chậm, khiến khách hàng không vừa lòng. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn cách làm một cách dễ dàng, dễ hiểu, dễ sử dụng, chị Thúy đã giao dịch mua bán đến vài chục triệu đồng ngay trong tháng đầu tiên sử dụng thanh toán số.

"Khi tính toán thủ công, tôi luôn bị nhầm lẫn, sai sót, mất mát, thậm chí là luôn sợ bị giật túi mỗi khi lấy hàng hoặc bán hàng cho khách. Nhưng trong hơn 1 tháng trở lại đây, việc sử dụng quét mã QR và chuyển tiền không dùng tiền mặt khiến tôi yên tâm hơn rất nhiều. Dịch vụ này còn rất tiện lợi và thiết thực. Có khách không chủ động mua đồ nên không mang tiền, nhưng khi sử dụng dịch vụ này, họ có thể mua đồ bất kỳ lúc nào nên doanh thu của chúng tôi cũng có thể tăng", chị Thúy chia sẻ.

Một tiểu thương khác bán giày dép tại chợ trung tâm Đại Từ cũng cho biết, từ ngày áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các khách hàng của chị đều ủng hộ. Ban đầu, cũng có người còn bỡ ngỡ, cảm thấy khó chịu nhưng đến lần mua sau đó thì họ cũng sử dụng hình thức thanh toán này.

Không dùng tiền mặt khi đi chợ - Mô hình chợ 4.0 thuận tiện và an toàn - Ảnh 2.
Khoảng 70% tiểu thương tại Chợ trung tâm Đại Từ sử dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money. (Ảnh: VGP/Hiền Minh)

"Với hình thức thanh toán này, đến cuối ngày chúng tôi sẽ chủ động nắm bắt được ngay các khoản thu chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước. Việc sử dụng lại rất tiện và đơn giản", một tiểu thương tại Chợ trung tâm Đại Từ cho biết.

Đây là những tiểu thương trong số 200 tiểu thương (chiếm 70%) tại chợ trung tâm Đại Từ đã sử dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.

Mô hình chợ 4.0 nói trên do Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên phối hợp với Viettel, UBND huyện Đại Từ triển khai, nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Mô hình này được kỳ vọng là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số tại tỉnh Thái Nguyên.

Theo ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm Đại Từ đang được triển khai rất tích cực. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này và thúc đẩy tỷ lệ người mua, người bán sử dụng phương thức giao dịch trực tuyến nhiều hơn.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc triển khai mô hình Chợ 4.0 là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên. Thái Nguyên sẽ nhân rộng mô hình chợ 4.0 trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thúc đẩy thói quen không dùng tiền mặt của người dân.

Trước đó, Viettel đã triển khai mô hình chợ 4.0 đầu tiên tại Đà Nẵng thông qua dịch vụ Mobile Money vào tháng 12/2021.

Tính đến đầu tháng 6/2022, đơn vị này đã có gần 1 triệu thuê bao Mobile Money phát sinh giao dịch.

Theo Hiền Minh/chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/di-cho-thoi-cong-nghe-so-mua-hang-khong-can-tien-mat-102220606110022755.htm

© Báo Tin tức - NetBiz