TP.HCM: Dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân

19:51 | 04/08/2022 Print
(LG) Từ đầu năm đến nay, có hơn 22.400 phản ánh, kiến nghị của người dân gửi về tổng đài 1022, trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tiếp đến là khối sở ngành và khối doanh nghiệp.
Tìm giải pháp căn cơ để phát triển vận tải hành khách công cộng Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn ứ trong ngày đầu thu phí không dừng Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lợi nhuận tăng 680% trong quý 2/2022

Đó là thông tin được Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm do UBND TP.HCM tổ chức ngày 4/8.

Báo cáo một số nội dung trọng tâm liên quan đến công tác chuyển đổi số đã thực hiện trong thời gian vừa qua, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung quan trọng.

TP.HCM: Dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng phát biểu tại cuộc họp.

Cụ thể, phát triển chức năng chỉ đạo điều hành của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM đối với các sở ngành và địa phương và nhắn tin nhắc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân trên Cổng thông tin 1022. Dự kiến, hệ thống sẽ triển khai thử nghiệm chức năng này bắt đầu từ ngày 8 đến 31/8.

Theo đó, khi phát hiện các vấn đề cần chỉ đạo xử lý, lãnh đạo TP.HCM sẽ nhắn tin đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện, trong đó có yêu cầu về thời hạn xử lý, nội dung chỉ đạo. Sau khi xử lý xong, các đơn vị, địa phương sẽ phản hổi, gửi tin nhắn báo cáo về lãnh đạo TP.HCM.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, từ đầu năm đến nay, có hơn 22.400 phản ánh, kiến nghị của người dân gửi về tổng đài 1022, trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tiếp đến là khối sở ngành và khối doanh nghiệp. Thông qua hệ thống này, các đơn vị, địa phương có thể theo dõi mức độ phản ánh của người dân theo thời gian thực, qua đó, kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân.

Trong thời gian tới, hệ thống sẽ phát triển thêm hai tính năng lớn để bổ trợ cho công tác điều hành của TP.HCM. Cụ thể, tích hợp trí tuệ nhân tạo AI như xác định thông tin vị trí cuộc gọi cần được hỗ trợ. Tạo ra callbot hoặc Chatbot hỗ trợ tự động giải đáp thông tin hoặc khảo sát lấy ý kiến của người dân.

Cùng với đó, xây dựng công cụ phân tích dữ liệu từ Tổng đài 1022 nhằm hỗ trợ lãnh đạo nắm bắt được tình hình, nhu cầu của người dân trong từng thời điểm. Tạo công cụ báo cáo tự động, báo cáo chuyên đề phục vụ các cuộc họp kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng cho biết, vừa qua Sở này đã phối hợp IPTC triển khai, chính thức được vận hành website hệ thống đối thoại doanh nghiệp – chính quyền TP.HCM, phiên bản tiếng Anh với đường link truy cập: https://doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn/en/.

Đồng thời, tích hợp vào hệ thống Dashboard Kinh tế - xã hội trực quan hóa cơ sở dữ liệu về kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị cũng như các đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP.HCM.

Về tiến độ triển khai Cổng dịch vụ trực tuyến, kết nối hệ thống xác thực, định danh theo Đề án 06, ông Thắng cho biết, đơn vị đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an thử nghiệm giải pháp kỹ thuật kết nối sử dụng dịch vụ xác thực trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP.HCM.

Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trước khi kết nối chính thức hệ thống xác thực, định danh theo Đề án 06, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với tổ công tác Bộ Công an, Công an TP.HCM hoàn thành kiểm tra, đánh giá an ninh, an toàn thông tin đối với Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng cho hay, tháng 10/2022, dự kiến hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công TP.HCM và hệ thống hệ thống xác thực, định danh theo Đề án 06. Mỗi người dân/tổ chức chỉ dùng 01 tài khoản thống nhất để sử dụng dịch vụ từ Cổng công trực tuyến của TP.HCM và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Minh Tuấn

© Báo Tin tức - NetBiz