Nông nghiệp công nghệ: Sân chơi cho những nông dân thời đại số

14:19 | 07/06/2022 Print
(LG) Hiện nay, người nông dân đã ứng dụng thành thạo khoa học công nghệ vào sản xuất và cũng bắt đầu cung cấp sản phẩm của mình qua hình thức bán hàng qua mạng xã hội như facebook, zalo, các trang web của hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Một số hộ đã nhanh chóng tiếp cận với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Tiki…
Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 97 ngàn người lao động Gần 5.000 sinh viên ngành Dệt May tham gia “Ngày hội việc làm năm 2022” Hà Nội nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động

Nông nghiệp số là sử dụng các công cụ thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu hoặc thông tin trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Nông nghiệp số còn được gọi là "nông nghiệp thông minh" hoặc "nông nghiệp điện tử", nông nghiệp số tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị nông sản - trước, trong và sau khi sản xuất tại nông trại.

Từ việc lúng túng khi sử dụng mạng xã hội để bán sản phẩm nông nghiệp, người nông dân ngày càng thành thạo hơn với các thao tác trên điện thoại thông minh. Nhiều người tuổi đã cao nhưng cũng nắm bắt kịp thời quá trình đơn giản nhất, thậm chí còn ra tận vườn để livestream sản phẩm đưa lên mạng xã hội nhằm tăng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.

Cùng với đó, việc tìm cho mình một cách vận chuyển phù hợp nhất trong đại dịch là tham gia vào các ứng dụng shiper để phân phối hàng nông sản. Nhờ công nghệ, những người nông dân đang ngày càng tiếp cận được nhiều kênh bán hàng hiện đại, thu hẹp khoảng cách với khách hàng.

Ông Bùi Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cho biết: Hiện nay, các hộ kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì đã từng bước tham gia việc phân phối sản phẩm trên mạng xã hội, thông qua các trang mạng như zalo, facebook, và tham gia cá sàn thương mại điện tử có tổ chức. Hội Nông dân huyện cũng phối hợp đưa nông dân có khả năng tiếp thu công nghệ để tham gia các lớp bồi dưỡng và đào tạo về sử dụng các trang thương mại điện tử về bán hàng.

Nông nghiệp công nghệ: Sân chơi cho những nông dân thời đại số
Từ việc lúng túng khi sử dụng mạng xã hội để bán sản phẩm nông nghiệp, người nông dân ngày càng thành thạo hơn với các thao tác trên điện thoại thông minh.

“Bên cạnh đó, để đáp ứng sân chơi chuyển đổi số trong nông nghiệp, các hộ kinh doanh cần nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thu và cạnh tranh được với các sản phẩm có trên thị trường. Không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cần tiếp cận ngay nền tảng số, mà đối với các làng nghề truyền thống, việc này không thể chần chừ”, ông Bùi Văn Bình nhấn mạnh.

Còn theo ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, vừa qua, Hội Nông dân huyện đã thực hiện nhiều chương trình khuyến khích hội viên tiếp cận nền tảng số, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Trong thời gian tới, Hội sẽ đưa mục tiêu “nông dân số” vào chương trình, kế hoạch của Hội, tăng cường các lớp tập huấn, giúp nông dân tiếp cận và nâng cao kỹ năng bán hàng trên nền tảng số để tăng hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng khẳng định, dù muốn hay không, mỗi người nông dân đều nên bắt đầu cho mình một quá trình trở thành “nông dân số”. Việc chuyển đổi số trong kinh doanh sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết đối với mỗi người nông dân thời đại công nghệ số ngày nay. Nếu ai không tiếp cận nhanh, rất có thể bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển của chính mình.

Những mặt hàng nông sản như gạo, trứng, thịt, hoa quả, thậm chí là cả rau cũng được bán qua mạng. Có thể nói, nông nghiệp công nghệ chính là sân chơi cho những nông dân thời đại số.

Bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và hình thành một thế hệ “Nông dân số” có kiến thức về chuyển đổi số, nhằm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. Việc sản xuất, tiêu thụ nông sản phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Cùng với đó, xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và hướng dẫn người nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp. Qua đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô Hà Nội, giúp nông dân tiếp cận nhanh và hiệu quả các công nghệ mới tiên tiến và hiện đại trong thực tiễn sản xuất, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh quá trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Từ đó, góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz