Để giấc mơ an cư của người lao động gần hơn

09:00 | 14/08/2022 Print
(LG) Cuối năm 2019, người thu nhập thấp háo hức khi có tin một số dự án nhà ở xã hội với giá dưới 16 triệu đồng/m2 đang chuẩn bị triển khai, tuy nhiên cho đến nay, các dự án "trong mơ" đối với người thu nhập thấp này vẫn án binh bất động.
Phân khúc nhà ở giá rẻ đang thiếu trầm trọng nguồn cung mới Nhiều "ông lớn" bất động sản vào cuộc giải "cơn khát" nhà ở xã hội Cần xác định tiêu chí cụ thể về nhà ở công nhân, tách khỏi nhóm nhà ở xã hội

Mỏi mắt chờ dự án... nhà ở xã hội

Trong những năm gần đây, tại Hà Nội, phần lớn các dự án chung cư đều nhắm vào các đối tượng có thu nhập cao. Có thể “điểm danh” một số dự án mở bán thời gian gần đây như: Vinhomes Ocean Park, Sunshine Green Iconic, FLC Premier Parc, BRG Smart City, Vinhomes Cổ Loa, Heritage West Lake…

Hầu hết, các dự án này đều được các sàn kinh doanh bất động sản quảng cáo là “chung cư cao cấp”. Ví dụ dự án Grand Sunlake của Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty cổ phần Thiết bị Thủy Lợi (HESCO) tại Trần Phú (Hà Đông).

Dự án được xem là biểu tượng của quận Hà Đông khi sở hữu toà tháp đôi 50 tầng và 1 tháp 45 tầng có vị trí gần với tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Các căn hộ 2-3 phòng ngủ được chào bán với mức giá từ 36 triệu đồng/m2, diện tích dao động trong khoảng 70-114m2.

Nhà ở bình dân bao giờ mới “có thật”?
Ảnh minh họa.

Tương tự, dự án Sunshine Green Iconic của chủ đầu tư Sunshine Group tại Phúc Đồng (Long Biên) được quy hoạch với 384 căn hộ siêu cao cấp cũng không dưới 2 tỷ đồng/căn. Hoặc các dự án được quảng cáo là “phân khu cao cấp” thuộc Vinhomes có giá thấp nhất là 1,1 tỷ đồng (với căn hộ siêu nhỏ 25-31m2), căn 1-2 phòng ngủ cũng có giá từ 1,9-3 tỷ đồng. Căn hộ Essensia Hà Nội của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh có địa chỉ tại Hoài Đức với giá thấp nhất là 3,48 tỷ đồng. Dự án Diamond Park Plaza Hà Nội của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phương Đông tại số 16 Láng Hạ (Ba Đình) với giá thấp nhất là 4,23 tỷ đồng…

Hàng loạt các chung cư cao cấp được chào bán trên thị trường với giá từ 35-90 triệu đồng/m2, nhưng các dự án mang tên nhà ở xã hội đều vắng bóng. Ví dụ như Rice City Thượng Thanh Long Biên, nhà ở xã hội Him Lam Thượng Thanh, nhà ở xã hội Bảo Ngọc City Long Biên, Trung Văn,… là những cái tên được nhiều người dân háo hức chờ đợi cách đây gần 3 năm, cho đến giờ đều “án binh bất động”.

Anh Phạm Văn Hùng, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nếu sống độc thân thì nhà ở không lo lắm, nhưng có gia đình rồi thì đây là vấn đề nan giải, nhất là khi có con nhỏ. Hiện tại, với thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng (tùy vào công việc có tăng ca hay không) cộng với thu nhập của vợ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, mỗi tháng, hai vợ chồng tiết kiệm lắm cũng chỉ để ra được 3-4 triệu đồng phòng khi ốm đau. Với thu nhập như vậy, nói chuyện mua nhà ở Hà Nội có vẻ xa vời.

Trong hai năm qua, những cơn “sốt ảo” quét qua nhiều địa phương trên cả nước khiến giá nhà, đất tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba chỉ trong một thời gian ngắn đã gây ra những hệ lụy không nhỏ. Giá bất động sản tăng cao bất thường không chỉ khiến thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, mà còn làm cho giấc mơ an cư lạc nghiệp của nhiều người ngày càng xa tầm với.

Anh Hùng tâm sự, với giá nhà ở như hiện nay, vợ chồng anh cũng như đa số công nhân đều không thể mua nổi, trong khi tiếp cận vốn để vay mua nhà ở xã hội cũng không dễ dàng vì nhiều thủ tục rắc rối. Do vậy, vợ chồng anh chỉ có ý định tích cóp và về quê mua đất xây nhà hơn là khắc khoải chờ cơ hội mua nhà ở đây.

Những trường hợp như vợ chồng anh Hùng chiếm phần lớn trong các khu công nghiệp. Sau mỗi buổi tan ca, hàng chục nghìn công nhân lại trở về những khu nhà trọ, trong đó, nhiều nơi có chất lượng sống không bảo đảm, vốn chỉ là chỗ nghỉ tạm sau một ngày lao động mệt nhọc. Sống trong điều kiện như vậy, nhưng phần lớn không có nhiều lựa chọn, bởi với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi đô thị mà không tằn tiện tiết kiệm, chẳng may xảy ra biến cố thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Lệch pha cung cầu và cung ứng thị trường

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” ngày 11/8, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017 là năm đỉnh cao.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản có một số dấu hiệu đáng lo ngại. Đó là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Nguồn nhà ở liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017.

Trong giai đoạn 2021-2030, Hà Nội chủ trương đầu tư xây dựng một - hai khu nhà ở xã hội tập trung là Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương và Khu nhà ở xã hội thành phố kết nối xanh-Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Trường hợp công tác chuẩn bị đầu tư ba khu còn lại là Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) thuận lợi, hoàn thành sớm, thành phố sẽ xem xét điều chỉnh mục tiêu triển khai từ hai lên năm khu nhà ở xã hội tập trung.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực bất động sản là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.

Dẫn ra số liệu nhà ở bình dân, năm 2020 chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020 là 0%; ngược lại nhà cao cấp năm 2021 chiếm 74% và 6 tháng đầu năm là 80,1%, ông Châu đánh giá: “Như vậy rất mất cân đối. Nhà ở xã hội chỉ đáp ứng 41% theo kế hoạch. Công nhân lao động thuê nhà trọ, tiền thuê chiếm khoảng 20% thu nhập, hơn 60% công nhân chỉ có thu nhập vừa đủ sống. Công nhân lao động có thu nhập rất thấp chiếm 56,8%. Đây là điều đáng quan ngại, việc tiếp cận được nhà ở của công nhân là vấn đề rất lớn”.

Tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017. Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.

Trên cơ sở những phân tích trên, Chủ tịch HoREA đưa ra một loạt kiến nghị như thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch. Chính phủ xem xét về việc áp dụng phương pháp sớm điều chỉnh biến động giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại, kể cả những dự án trên 30 tỷ đồng theo bảng giá đất.

Ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị thực hiện cơ chế hoán đổi các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.

Đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn; sửa đổi Khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở để bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đô thị nhà ở.

Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Vingroup, Novaland… lần lượt công bố xây hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem giấc mơ nhà ở bình dân bao giờ mới thành hiện thực!

Bảo Thoa

© Báo Tin tức - NetBiz