Đề xuất mở rộng phạm vi nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14

11:35 | 02/12/2022 Print
(LG) Theo Tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước, một trong các quy định được sửa đổi, bổ sung là mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng cơ chế xử lý theo quy định tại Nghị quyết 42 để đảm bảo có thể xử lý nợ xấu một cách toàn diện.
Cần giải pháp xử lý "nợ xấu" bảo hiểm xã hội Hoàn thiện pháp lý về xử lý nợ xấu Khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu

Bộ Tư pháp vừa họp thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam Tạ Quang Đôn cho biết, các quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, quá trinh thực hiện các văn bản nói trên cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như một số nghiệp vụ của tổ chức tín dụng chưa được quy định cụ thể, khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản... Vì vậy, cần xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023...

Đề xuất mở rộng phạm vi nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Anh Thư)

Theo Tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước, một trong các quy định được sửa đổi, bổ sung là mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng cơ chế xử lý theo quy định tại Nghị quyết 42 để đảm bảo có thể xử lý nợ xấu một cách toàn diện, tránh được tâm lý chây ỳ trả nợ khi cho rằng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017. Theo đó, những khoản nợ xấu phát sinh sau thời gian này, tổ chức tín dụng phải buộc kéo dài thời gian thu nợ do bắt buộc phải khởi kiện ra tòa án.

Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định về thẩm định giá các khoản nợ xấu; kế thừa và sửa đổi, bổ sung quy định về mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án của bên phải thi hành án đối với cả tài sản bị cưỡng chế, bảo đảm thi hành án. Theo đó, các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, kê biên, cưỡng chế thi hành án để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bất động sản thực tế có sai/khác do với giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu theo hướng trong trường hợp bất động sản thực tế có sai/khác so với giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, cơ quan thi hành án vẫn tiếp tục thi hành án...

Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ. Việc thẩm định giá các khoản nợ xấu đang được các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có chức năng mua, bán nợ thuê các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam để thực hiện. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tránh ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng đang hoạt động hiệu quả.

Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42, đồng thời, cụ thể hóa các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, việc xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay qua sử dụng các phương tiện điện tử.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến thời gian trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023), trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023).

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhất trí cần phải xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Để nâng cao chất lượng Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị làm rõ các văn bản giao nhiệm vụ trong Tờ trình Chính phủ; bổ sung báo cáo tổng kết; hoàn thiện đề cương Luật chi tiết; đồng thời rà soát các quy định pháp luật liên quan...

H.L

© Báo Tin tức - NetBiz