68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng

17:18 | 04/08/2022 Print
(LG) Tại Hội nghị chuyển đổi số ngành Ngân hàng diễn ra sáng 4/8, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu với 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% vào năm 2025.
Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý tiền ảo, Bitcoin để ngăn chặn rửa tiền Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động

Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua mã phản hồi nhanh (QR code) tăng 86% và 127% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến tháng 6/2022, có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của ACB tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số" ngành Ngân hàng.

Trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, TS Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: Sự chủ động của các ngân hàng trong việc ứng dụng và cho ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ cao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 50 triệu người (gần 50% dân số). Trong đó, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: Internet Banking, Mobile Banking có tốc độ tăng trưởng vượt bậc chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch...

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Darren Buckley, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank cho biết: Techcombank không ngừng chuyển đổi, thúc đẩy các sáng kiến số hóa nhằm mang đến cho khách hàng giải pháp "Ngân hàng trong tầm tay bạn" một cách đơn giản và trực quan. Ngân hàng đã ra mắt ứng dụng di động mới dành cho khách hàng doanh nghiệp và đã chuyển hơn 70% khách hàng cá nhân sang ứng dụng số ngân hàng bán lẻ mới; đồng thời vẫn tiếp tục nâng cấp công nghệ và hạ tầng tiên tiến.

Kết thúc quý II/2022, Techcombank có 10,1 triệu khách hàng, tăng hơn 0,2 triệu so với quý trước. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân thông qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 206,1 triệu giao dịch trong quý II/2022, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị giao dịch tăng 14,0% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 2,8 triệu tỷ đồng.

Mới đây, PVcomBank đã triển khai tính năng nâng hạn mức giao dịch lên 100 triệu đồng/ngày bằng Video Call, dành cho tất cả khách hàng đã mở thành công tài khoản thanh toán qua định danh khách hàng điện tử (eKYC). Với phương thức eKYC, chỉ cần vài thao tác đơn giản trong thời gian ngắn, khách hàng có thể làm chủ mọi giao dịch tài chính của mình mà không cần tới quầy giao dịch.

“Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch tiền tệ, NHNN quy định hạn mức chuyển khoản, thanh toán tối đa khi mở tài khoản qua eKYC là 100 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp có nhu cầu nâng hạn mức, khách hàng cần đến quầy trực tiếp để xác thực thông tin. Điều này phần nào hạn chế trải nghiệm của khách hàng trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch đã và đang dần được số hóa”, đại diện PVcomBank cho biết.

68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Viettel Money sở hữu hơn 300 tiện ích thanh toàn và tài chính số.

Theo PVcomBank, các khách hàng đã mở thành công tài khoản qua eKYC có thể tiến hành nâng hạn mức giao dịch lên 100 triệu đồng/ngày thông qua Video Call. Với tính năng này, khách hàng sẽ được kết nối trực tiếp tới tổng đài viên, được hỗ trợ tư vấn, xác thực thông tin và cấp hạn mức theo yêu cầu.

Như vậy, thay vì chỉ có thể giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng như trước, giờ đây, khách hàng có thể giao dịch 100 triệu đồng/ngày. Khi đã nâng hạn mức thành công, nếu có nhu cầu giao dịch lớn hơn, cũng ngay trên PV Mobie Banking, khách hàng sẽ có thể tiếp tục nâng hạn mức tiêu dùng lên tới 3 tỷ đồng/ngày.

Đến nay, nền tảng ngân hàng số của PVcomBank đã được phát triển với hơn 200 tính năng cùng hệ thống “Tư vấn trực tiếp”, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao về giao dịch tài chính trên môi trường số của khách hàng. Nhờ đó, dù là thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, thanh toán qua QR code… khách hàng đều thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và hưởng nhiều ưu đãi vượt trội hơn so với các hình thức giao dịch trực tiếp tại quầy.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, khi "điểm danh" các ngân hàng đóng góp vào bước tăng trưởng thần tốc thanh toán trên nền tảng số của Việt Nam thì không thể không nhắc đến Agribank. Agribank đã chủ động nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán và sự ra đời của nhiều mô hình dịch vụ thanh toán mới như mã QR code, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc… đã đem lại cho người sử dụng những trải nghiệm mới mẻ với sự tiện ích và chi phí hợp lý.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các bộ, ban ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành với tinh thần lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc chuyển đổi số trên các mặt: kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn; công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh.

"Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của NHNN; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.

Hà Phong

© Báo Tin tức - NetBiz